Phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào

Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào thuộc phạm vi hành chính các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và Kim Quan (huyện Yên Sơn).
Phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào ảnh 1Du khách tham quan cây đa Tân Trào. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030.

Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào thuộc phạm vi hành chính các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và Kim Quan (huyện Yên Sơn).

Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 2.500 ha (thuộc vùng bảo vệ cảnh quan di tích, phục vụ du lịch theo Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 6/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Tân Trào đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng.

Thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác thị trường khách từ các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) và các tỉnh vùng lân cận (các tỉnh khu vực Đông Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, khu vực miền núi Tây Bắc); từng bước mở rộng ra các thị trường khách đến từ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Các thị trường quốc tế trọng điểm là thị trường từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); các quốc gia Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines); thị trường khách là người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam; thị trường từ các quốc gia có yếu tố lịch sử liên quan đến Tân Trào.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị lịch sử: tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể di tích lịch sử cách mạng; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn; du lịch sự kiện…; du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa: tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa tộc người; lễ hội truyền thống, tâm linh…; du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên: nghiên cứu hệ sinh thái, tham quan cảnh quan, du thuyền sông Phó Đáy…

Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đủ số lượng buồng lưu trú cho khách du lịch theo từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, có khoảng 500 buồng và năm 2030 khoảng 1.000 buồng đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, phát triển các làng camping, các khu bungalow, các lều trại mang tính dân tộc, nhà dân (homestay)... tại thôn Tân Lập, thôn Niếng, thôn Quan Hạ.

Bên cạnh đó, phát triển các nhà hàng, cơ sở ăn uống trong các khách sạn và độc lập bên ngoài tại các trung tâm đón tiếp, các trung tâm dân cư để phục vụ các món ăn dân dã, bản địa. Quy mô nhà hàng không quá 200 chỗ; thiết kế, kiến trúc nhà hàng tuân thủ theo Quy chế quản lý ban hành theo Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 (Quy hoạch bảo tồn di tích).

Hệ thống vui chơi giải trí gồm các tiện nghi thể thao, vui chơi như bể bơi, sân bóng chuyền, cầu lông, câu lạc bộ, các trò chơi dân gian, công viên cây xanh... được phát triển gắn liền với các khách sạn, nhà hàng, các trung tâm dân cư.

Về định hướng đầu tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, bao gồm: vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp trong nước khác, trong đó ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ một phần cho xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu du lịch quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, các giá trị tự nhiên, bảo vệ tài nguyên du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục