Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng

Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại lối mở Nà Đoỏng (thuộc Cửa khẩu Trà Lĩnh), huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại lối mở Nà Đoỏng (thuộc Cửa khẩu Trà Lĩnh), huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Phó Thủ tướng chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 295/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040.

Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng (Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng), bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới (từ xã Cần Nông, huyện Hà Quảng đến xã Đức Long, huyện Thạch An). Quy mô lập quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng có diện tích khoảng 30.130 ha.

Dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 73.000-78.000 người (trong đó dân số quy đổi khoảng 16.000-19.000 người); dân số đô thị khoảng 35.000-37.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.800-3.900 ha.

Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phân chia thành 4 vùng

Trên cơ sở các điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế-xã hội, các mối liên kết phát triển, điều kiện phát triển của các khu vực cửa khẩu, lối mở, các vùng cảnh quan, hệ thống đô thị và dân cư nông thôn, Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng.

Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh Cao Bằng thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.

[Cao Bằng cần thúc đẩy giao thương qua biên giới thông suốt và an toàn]

Vùng 1 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây), bao gồm các xã biên giới của huyện Hà Quảng; diện tích quy hoạch khoảng 4.018 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 8.000-9.000 người, trung tâm là khu cửa khẩu-đô thị Sóc Giang.

Vùng 2 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc) bao gồm khu vực các thôn xã của huyện Trùng Khánh; diện tích quy hoạch khoảng 8.134 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 30.000-32.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu-thị trấn Trà Lĩnh.

Vùng 3 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc), bao gồm các xã biên giới của huyện Hạ Lang; diện tích quy hoạch khoảng 3.346 ha, dân số đến năm 2040 khoảng 7.500-8.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu Lý Vạn.

Vùng 4 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông), bao gồm các khu vực biên giới của huyện Quảng Hòa và Thạch An; diện tích quy hoạch khoảng 14.632 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 51.000-53.000 người, trung tâm là cửa khẩu Tà Lùng-đô thị Phục Hòa.

Quy hoạch nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn lên thành cửa khẩu quốc tế

Về định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, Quyết định nêu rõ cửa khẩu quốc tế: Tà Lùng, Trà Lĩnh (bao gồm cả lối thông quan hàng hóa Nà Đoỏng). Quy hoạch nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn lên thành cửa khẩu quốc tế.

Cửa khẩu chính Sóc Giang. Quy hoạch nâng cấp cửa khẩu phụ Pò Peo lên cửa khẩu chính. Cửa khẩu phụ Hạ Lang. Quy hoạch nâng cấp lối mở Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An) lên thành cửa khẩu phụ.

Đối với các lối mở, quy hoạch, đầu tư nâng cấp thành các lối thông quan thuộc các cửa khẩu khi đủ điều kiện: Lối mở Trúc Long, Nà Quân là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Sóc Giang; lối mở Đình Phong (mở mới) là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Pò Peo; lối mở biên giới Bản Giốc thực hiện theo các văn bản, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc); lối mở Bản Khoòng là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Lý Vạn; lối mở Pò Tập, Cốc Sâu là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Tà Lùng. Duy trì lối mở Pác Ty và Kỷ Sộc hiện có.

4 khu du lịch chính

Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ du lịch của Khu Kinh tế trong mối liên hệ kết nối, hỗ trợ và chia sẻ với hệ thống dịch vụ du lịch của tỉnh mà trung tâm là thành phố Cao Bằng. Các khu du lịch chính gồm:

Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng ảnh 1Thác Bản Giốc. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Khu du lịch gắn với di tích lịch sử Pác Bó và di tích Kim Đồng, quy mô khoảng 1.137 ha (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng).

Khu du lịch Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, quy mô khoảng 1.000 ha (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh).

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ngườm Lồm Nặm Khao, quy mô khoảng 36 ha (xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa).

Quy hoạch khu phức hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao (sân gôn), vui chơi giải trí; quy mô khoảng 200-250 ha tại xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh).

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp tại các vùng nông nghiệp, làng bản thuộc xã Đức Long (Thạch An), xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh), thị trấn Tà Lùng, xã Mỹ Hưng, xã Cách Linh (huyện Quảng Hòa).

Phát triển du lịch tham quan mua sắm tại các cửa khẩu lối mở, trong đó trọng tâm là trung tâm du lịch mua sắm Phục Hòa, Trà Lĩnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục