Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2543/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.
Quy hoạch này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích để giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-du lịch; xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Trào nói riêng, tỉnh Tuyên Quang và vùng phụ cận nói chung.
Theo đó, quy mô quy hoạch của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào khoảng 3.100 ha, trải rộng trên địa bàn 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương), Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn).
Nhiệm vụ quy hoạch gồm khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng; nghiên cứu các tư liệu cách mạng, hoàn thiện hồ sơ hệ thống di tích; hiện trạng quản lý di tích; tình hình kinh tế-xã hội và du lịch. Quy hoạch không gian bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào được định hướng gắn với phát triển du lịch.
Các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư giai đoạn 2015-2020 và đến 2025 (dự án có ý nghĩa bảo tồn di tích, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch gắn với việc bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, làm giàu cho khu dân cư trong khu vực quy hoạch) cũng được xác định và đề xuất nguồn vốn, giải pháp huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư.
Các giải pháp quản lý, cơ chế thực hiện, các chính sách ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực di tích; cơ chế phối hợp liên ngành, bảo đảm triển khai thành công quy hoạch tổng thể… cũng được đề xuất.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào có tổng số 177 di tích, trong đó có 40 di tích được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia, 30 di tích được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh…
Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào Cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm “Thủ đô Khu giải phóng,” căn cứ địa Cách mạng của cả nước. Tại đây, những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã diễn ra như Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca.
Những năm gần đây, để phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào định hướng đến năm 2020.
Tỉnh đã đầu tư hơn 4,77 tỷ đồng tu bổ, chống xuống cấp đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La; sưu tầm các tài liệu, hiện vật lịch sử cách mạng để trưng bày tại bảo tàng Tân Trào; tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho các hộ gia đình trong xã Tân Trào; xây dựng làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào./.
Từ đầu năm đến nay, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón gần 600.000 lượt khách đến thăm quan (chiếm 75% lượng khách du lịch đến thăm quan tỉnh Tuyên Quang)./.