Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch gồm phần lãnh thổ tỉnh Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1.586,35 km2 và phần không gian biển với diện tích 164,59km2 với 8/8 đơn vị hành chính: thành phố Thái Bình và 7 huyện (Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải).
Việc lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh Thái Bình.
Kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển còn phù hợp với tình hình thực tiễn, các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt có định hướng, tầm nhìn đến năm 2030 hoặc xa hơn nữa.
Nghiên cứu, bổ sung, phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát các chủ trương, chỉ đạo của trung ương, các định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và danh mục các quy hoạch được tích hợp lại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 của Chính phủ.
Lập quy hoạch trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đảm bảo tính khả thi và phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của tỉnh; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.
[Lập Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050]
Bên cạnh đó, Quyết định nêu rõ việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; quan tâm đầu tư phát triển vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Thái Bình; sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Việc lập quy hoạch đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Một trong những mục tiêu chính của việc nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh Thái Bình nhằm phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình thời kỳ 2011-2020; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng liên quan đến tỉnh Thái Bình về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Từ đó, việc lập quy hoạch dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định được các quan điểm, mục tiêu và đột phá phát triển; phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại./.