Ngày 19/6, tại Washington (Mỹ), Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) phê duyệt khoản vay trị giá 80 triệu USD hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng và tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở tại 13 tỉnh, ưu tiên cho các khu vực tập trung nhiều người nghèo.
Dự án Đầu tư và Đổi mới dịch vụ y tế cơ sở sẽ giúp các trạm y tế tuyến xã phát hiện và quản lý tốt hơn các loại bệnh không lây nhiễm, đồng thời tăng cường vai trò kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Dự kiến khoảng 9,2 triệu người sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
[Việt Nam ưu tiên tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở]
Dự án sẽ giúp cung cấp cho các trạm y tế tuyến xã trang thiết bị, đào tạo và công cụ quản lý chất lượng và nâng cấp cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia. Dự án cũng sẽ giúp đổi mới chính sách nhằm tăng cường bền vững tài chính và chất lượng dịch vụ và thực hiện một số thí điểm về đổi mới sáng tạo.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Dù tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở và tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam đã được cải thiện nhiều, một số nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm người ở vùng núi, vùng sâu vùng xa vẫn bị tụt hậu. Dự án này sẽ giúp giảm bớt khoảng cách giữa các nhóm về tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở, đồng thời mở rộng cung cấp các dịch vụ mới nhằm đối phó với các thách thức mới về dân số và dịch tễ học.”
13 tỉnh tham gia dự án gồm Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình (miền Bắc); Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận (miền Trung); Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Bạc Liêu (miền Nam). Ngoại trừ một tỉnh, tất cả các tỉnh còn lại đều có tỉ lệ nghèo dưới trung bình cả nước và 9 trong số đó thuộc nhóm 1/3 tỉnh nghèo nhất toàn quốc.
Ngoài khoản vay 80 triệu USD do Hiệp hội Phát triển Quốc tế cung cấp, gói tài chính có thêm một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 25 triệu USD. Khoản viện trợ không hoàn lại này gồm 17 triệu USD từ Quỹ Tài chính toàn cầu về phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên nhằm hỗ trợ trả phần lãi suất vay; 5 triệu USD từ Quỹ tín thác nhiều nhà tài trợ cho các chương trình y tế; và 3 triệu USD từ Quỹ ttín thác nhiều nhà tài trợ giải quyết các vấn đề về bệnh không lây nhiễm tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra dự án còn nhận được khoản đóng góp bằng hiện vật từ Liên minh vắcxin Gavi./.