Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống.
Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm ảnh 1Thu gom gà chết để đưa đi tiêu hủy. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025."

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

Các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng virus mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan rộng ở Việt Nam; tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.

Kế hoạch yêu cầu xây dựng thành công các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm, sản phẩm của gia cầm; góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh các bệnh Cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng virus cúm nguy hiểm (H5 và H7).

Bảo đảm an toàn thực phẩm và dịch bệnh

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải phân vùng nguy cơ (cấp huyện) để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế tại các địa phương; tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, không để lây lan ra diện rộng; xác định chính xác chủng loại virus cúm lưu hành để có cơ sở lựa chọn chủng loại vắcxin phù hợp cho công tác phòng dịch bệnh cúm gia cầm.

[Không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập trong dịp Tết]

Cùng với đó, Kế hoạch yêu cầu xử lý ổ dịch cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng; tiêm phòng bao vây khi xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm.

Lực lượng chức năng tổ chức quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt là kiểm soát vận chuyển qua biên giới; tổ chức phòng, chống nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam; kiểm soát ấp nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; tập trung và đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi các cơ sở chăn nuôi gia cầm, sản xuất sản phẩm gia cầm an toàn bệnh cúm gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu xác định đặc điểm dịch tễ và các yếu tố nguy cơ và quy luật phát sinh, lây lan dịch bệnh, nghiên cứu kinh tế dịch tễ đánh giá tổn thất về kinh tế, chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; nghiên cứu, đánh giá lưu hành virus cúm gia cầm; đánh giá hiệu lực và lựa chọn chủng loại vắcxin phù hợp, hiệu quả với từng chủng, nhánh virus cúm gia cầm.

Kế hoạch đề ra nhiệm vụ chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh cúm gia cầm , giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục