Phê duyệt đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ trị giá 950 tỷ đồng

Dự án có tổng chiều dài xây dựng khoảng 28,8km với điểm đầu tại Km26+00, điểm cuối tại Km54+844 theo lý trình Quốc lộ N2B, kết nối với tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông.

Dự án có điểm đầu tại Km26+00 (theo lý trình Quốc lộ N2B), tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại Km54+844 (theo lý trình Quốc lộ N2B), kết nối với tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ; tổng chiều dài xây dựng khoảng 28,8km.

[Vừa đưa vào khai thác, tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi đã hư hỏng]

Theo Quyết định số 1232/QĐ-BGTVT, đối với tuyến chính Lộ Tẻ-Rạch Sỏi sẽ giữ nguyên trạng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, các yếu tố hình học cơ bản đã được đầu tư tại Quyết định số 990/QĐ-BGTVT ngày 15/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chỉ tiến hành bù vênh và thảm tăng cường mặt đường bằng bêtông nhựa; đồng thời bố trí lại làn xe, tách riêng phần xe máy và xe thô sơ lưu thông trên đường gom.

Đối với đường gom, dự án sẽ xây dựng hệ thống đường gom với quy mô tối thiểu đường giao thông nông thôn cấp B tại một số đoạn để tổ chức lại giao thông trên tuyến, kết cấu mặt đường cấp cao A2; đầu tư xây dựng mới 29 cầu trên đường gom, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường.

Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng mới nút giao cuối tuyến (nút giao Lộ Tẻ) dạng Trumpet.

Tuyến tránh thành phố Long Xuyên kết nối với tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ bằng cầu vượt và nhánh rẽ, trong đó các nhánh nút giao thiết kế mặt đường cấp cao A1, lớp mặt bê tông nhựa chặt rải nóng trên lớp móng cấp phối đá dăm.

Địa điểm xây dựng dự án tại thành phố Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Diện tích đất sử dụng là 2,52ha (phạm vi nút giao Lộ Tẻ).

Tổng mức đầu tư dự án là 950 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thời gian thực hiện là từ năm 2022-2025.

Dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án, cụ thể như sau: Năm 2022 là 13 tỷ đồng, năm 2023 là 350 tỷ, năm 2024 là 455 tỷ đồng, năm 2025 là 132 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án tuân thủ quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục