Phê duyệt đầu tư nâng cấp hai quốc lộ tại Phú Thọ và Lâm Đồng

Dự án hoàn chỉnh Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng trong khi dự án nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng có vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Quốc lộ 32C. (Nguồn: Baodauthau.vn)

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hoàn chỉnh Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và dự án đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng.

Dự án đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 32C có điểm đầu tại cầu Lâm Hạc (km 11+600) và điểm cuối tại cầu Phong Châu (km 21+100) với tổng chiều dài khoảng 9,5km.

Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng và sẽ tập trung hoàn thiện phần mặt đường còn lại bên trái tuyến; khổ cầu bằng khổ nền đường.

Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ được giao làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư khoảng 160 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nguồn vốn được bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư dự án này nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Phú Thọ theo quy hoạch, đồng thời tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh Phú Thọ và khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

[Dự án cao tốc Bắc-Nam đang gặp vướng mắc về mặt bằng, giá vật liệu]

Trong khi đó, tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết điểm đầu dự án tại km 0+000, giao Quốc lộ 1A tại km 1656+900, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối dự án tại km 68+100-Ngã ba Tahine giao với Quốc lộ 20 tại km 185+690, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 69km được đầu tư quy mô đường cấp 3 với vận tốc thiết kế 60-80 km/h. Chiều rộng nền đường 12m và mặt đường 11m. Khổ cầu bằng khổ nền đường; riêng đoạn qua đèo Đại Ninh, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khó khăn, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiến độ thực hiện hoàn thành năm vào 2025. Dự kiến, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án là gần 1.300 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch, đồng thời tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông-Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục