Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Theo Quyết định số 1507/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Phó Trưởng ban thường trực.

Ông Nguyễn Cảnh Việt và ông Bùi Hồng Minh làm Phó Trưởng ban chuyên trách.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm:

1. Bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

2. Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

3. Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính;

4. Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;

5. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

6. Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;

7. Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

8. Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

9. Ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an;

10. Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 4/12/2024; thay thế Quyết định số 1140/QĐ-TTg ngày 27/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc cử thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Chức năng của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ định hướng chiến lược, giải pháp thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp.

ttxvn_doanh nghiep.jpg
Một dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp.

Nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo được trực tiếp làm việc hoặc mời lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Tổ chức các đoàn công tác làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực theo dõi của Ban Chỉ đạo.

Được đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và thực hiện các quyền hạn khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ là bộ phận thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; bố trí khoảng 3-5 người trong biên chế của Vụ Đổi mới doanh nghiệp chuyên trách giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Số lượng cụ thể theo yêu cầu của Trưởng Ban./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục