Chương trình phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5% trên tổng số trẻ em so với đầu kỳ; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại. 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ thực hiện truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em; củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Chương trình sẽ nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế về bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự và xử lý vi phạm hành chính; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em như xây dựng các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm cả công lập và ngoài công lập đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em…
Đối tượng Chương trình hướng tới là trẻ em và người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trên phạm vi toàn quốc.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việc triển khai Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 đã thúc đẩy và đặt nền móng cho việc bảo vệ trẻ em.
Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, các dịch vụ bảo vệ trẻ em phát triển đa dạng, hệ thống bảo vệ trẻ em được củng cố với các thành phần cơ bản.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm từ 6% năm 2011 xuống 5,6% năm 2015; 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển tốt hơn./.