Ngày 17/2, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã dẫn hàng nghìn người ủng hộ tới khu vực tòa nhà Chính phủ Thái Lan nhằm cản trở kế hoạch trở lại làm việc của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các thành viên nội các.
Đây là một trong những động thái nhằm thách thức chính quyền sau khi chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát để lấy lại các địa điểm cơ quan nhà nước đang bị người biểu tình phong tỏa.
Theo kế hoạch chính phủ Thái Lan sẽ lần lượt lấy lại các điểm chốt xung quanh tòa nhà chính phủ và khu liên hợp cơ quan chính quyền ở phía Bắc thủ đô cho tới ngày 19/2. Trường hợp bị người biểu tình kháng cự và bắn trả, cảnh sát sẽ được phép sử dụng vũ khi để bảo vệ.
Đại diện chính phủ Thái Lan và phe biểu tình đã tổ chức nhiều cuộc thương lượng để mở cửa lại các cơ quan chính quyền, nhưng không đạt được kết quả.
Ông Suthep nói rằng ông không nói chuyện với chính phủ mà sẽ chỉ nói chuyện với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mà phe biểu tình cho là đang điều khiển chính quyền hiện nay. Ông Suthep đã đưa ra lý lẽ rằng nếu ông Thaksin có thể trở về Thái Lan, ông ta sẽ tổ chức một cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, chuyện này sẽ không thể xảy ra vì ông Thaksin đang là "tội phạm" lẩn trốn án phạt tù hai năm. Do vậy, sẽ không thể có cuộc đối thoại này.
Ông Suthep tuyên bố không đối thoại với chính phủ hiện nay bởi nó không còn tính hợp pháp và Thủ tướng Yingluck cũng sẽ không còn cơ hội trở lại tòa nhà chính phủ nữa.
Những người biểu tình đều tỏ thái độ không ủng hộ chính quyền và cho rằng toàn bộ "chế độ Thaksin" cần phải bị loại bỏ bằng một cuộc cải cách đất nước bất chấp việc bà Yingluck hay chính phủ Thái Lan đã mời đại diện của phe đối lập cũng như người biều tình tới đối thoại về vấn đề cải cách này.
Bà Phongchumpu Wattanasathian, người Minburi, cho biết: "Tôi tới đây tham gia biểu tình vì cho rằng chính phủ không còn khả năng điều hành đất nước nữa. Bà Thủ tướng đã lên nắm quyền được hơn hai năm, nhưng bà ta đã làm gì được cho dân? Họ nói họ là những người có học, thì tại sao họ lại không đồng ý việc thực hiện cải cách trước. Đất nước Thái Lan chúng tôi có nguồn tài nguyên dầu khí và có khả năng khai thác được, nhưng người dân lại không được sử dụng với giá rẻ. Đó là những lý do tôi tới đây để bày tỏ sự phản đối của mình."
Ông Wiangchai Watcharanirun, người dân Bangkok gốc Noongkhai, cho biết: "Tôi cho rằng việc chính phủ mời đại diện các bên tới đàm phán để tìm ra cách giải quyết cho những bế tắc hiện nay là không thực chất. Vấn đề cải cách đáng lẽ phải được họ thực hiện ngay từ khi họ lên nắm quyền. Họ không hề nghĩ tới điều đó từ trước. Người dân Thái Lan đã bắt đầu hiểu ra bản chất của vấn đề, họ cần những người hành động chứ không cần những người chỉ nói. Nếu bầu cử như hiện nay sẽ không giải quyết được vấn đề, nên cần phải có sự cải cách."
Cho tới thời điểm này, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn gặp bế tắc bởi các bên liên quan không thể đối thoại với nhau./.