Phe đối lập Italy quyết ngăn cản công cuộc cải cách của chính phủ

Các chính đảng đối lập Italy đang tập hợp lực lượng để tìm cách ngăn cản các cải cách của chính phủ, trong đó chủ yếu là cải cách về luật bầu cử và cải cách Hiến pháp.
Phe đối lập Italy quyết ngăn cản công cuộc cải cách của chính phủ ảnh 1Đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi quyết ngăn cải cách của chính phủ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các chính đảng đối lập Italy đang tập hợp lực lượng để tìm cách ngăn cản các cải cách của chính phủ, trong đó chủ yếu là cải cách về luật bầu cử và cải cách Hiến pháp, nhằm đơn giản hóa hệ thống chính trị của nước này.

Trong những ngày qua, báo chí Italy đưa tin đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng Liên đoàn Phương Bắc có xu hướng bài ngoại, chống nhập cư và chống EU đang thương lượng để cùng hợp sức chống lại đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền.

Nhật báo La Repubblica đưa tin rằng, ông Berlusconi và Matteo Salvini, lãnh tụ của Liên đoàn Phương Bắc, đã đạt được một thỏa thuận khung nhằm chống lại đảng Pd và chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi trong các cải cách mà bản thân Forza Italia từng ủng hộ, đồng thời, hai đảng này sẽ thiết lập một liên minh nhằm tiến hành tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương ở các vùng Veneto, Marche, Umbria, Liguria, Tuscany, Campania và Puglia vào ngày 17/5.

Theo các nhà bình luận chính trị Italy, việc hai đảng này bắt tay nhau là một động thái hoàn toàn logic, sau khi đảng Forza Italia và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi bị "mất mặt" trong vụ bầu cử Tổng thống hồi đầu tháng này.

Berlusconi đã tố cáo Thủ tướng Renzi không đếm xỉa đến ông khi đề cử ông Mattarella làm Tổng thống Italy, đồng thời cũng xé bỏ "thỏa thuận Nazareno," bao gồm những những điều mà ông và Renzi đã thống nhất với nhau hồi tháng 1/2014 nhằm cải cách luật bầu cử và cải cách Hiến pháp. Trong khi đó, Liên đoàn Phương Bắc, hiện là chính đảng lớn thứ ba ở Italy, đang lớn mạnh và có tham vọng trở thành đảng đối lập lớn nhất ở Italy.

Bất chấp những đe dọa hợp tác giữa hai đảng này để trở thành một lực lượng đối lập mạnh mẽ, chính phủ của Thủ tướng Renzi vẫn khẳng định họ vẫn tiến về phía trước với các cải cách mà không cần đến sự ủng hộ của Forza Italia.

Bộ trưởng Bộ cải cách Marina Elena Boschi nói hôm 11/2 rằng, chính phủ mong muốn dự luật bầu cử mới được thông qua càng sớm càng tốt.

Theo dự kiến, Hạ viện Italy sẽ xem xét dự luật này vào ngày 14/2, hai tuần sau khi Thượng viện thông qua các sửa đổi bổ sung của dự luật này. Nếu được thông qua, luật bầu cử mới sẽ có hiệu lực vào năm 2016, thay thế cho luật bầu cử cũ bị cho là thiếu hiệu quả, và là một trong những nguyên nhân khiến cuộc tổng tuyển cử 2013 bất phân thắng bại. Cải cách bầu cử là một trong những cải cách mà chính phủ và đảng Pd kỳ vọng nhiều nhất, nhằm đưa nền chính trị Italy thoát khỏi khủng hoảng.

Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Piepoli sau khi Tổng thống mới được bầu và Thủ tướng Renzi cắt đứt quan hệ với đảng Forza Italia trong vấn đề cải cách, uy tín của đảng Pd đã tăng 1%, lên 37%, trong khi đảng Liên đoàn Phương Bắc tăng thêm 0,5%, lên 16%.

Forza Italia, rơi vào khủng hoảng từ hơn một năm qua, sau khi ông Berlusconi bị truất phế khỏi Thượng viện, chỉ đạt 11,5%, thấp nhất trong 20 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục