Sáng 24/4, Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC), lực lượng chính trị của phe Áo Vàng đã tổ chức họp báo bày tỏ quan điểm ủng hộ dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan.
Ngay sau đó, Mặt trận thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD), cánh chính trị của phe Áo Đỏ, đã đưa ra quan điểm phản bác văn kiện được chính quyền quân sự ở quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạo soạn thảo và yêu cầu để cho Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), cùng các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý về văn kiện này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Câu lạc bộ Pacific City, thủ đô Bangkok, Chủ tịch PDRC Suthep Thaugsuban nói rằng phe này ủng hộ dự thảo hiến pháp mới bởi văn kiện này ghi nhận rõ tinh thần xây dựng một nền dân chủ với Nhà Vua là người đứng đầu quốc gia nhằm giúp Thái Lan vượt qua cuộc khủng hoảng kéo dài bấy lâu nay.
Ông cho rằng dự thảo hiến pháp mới giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách thành lập một ủy ban 13 thành viên đứng đầu bởi Chủ tịch Tòa án Hiến pháp, và do đó không cần bất kỳ cuộc đảo chính nào để giải quyết khủng hoảng.
Chủ tịch PDRC cũng cho rằng các điều khoản về cải cách quốc gia chưa từng có tiền lệ trong dự thảo hiến pháp mới sẽ giúp Thái Lan phát triển hơn. Ông cũng bày tỏ tin tưởng dự thảo văn kiện này sẽ vượt qua cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7/8.
Chủ tịch PDRC Suthep Thaugsuban chính là người dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra dẫn đến cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.
Ngay sau cuộc họp báo của phe Áo Vàng, phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã tổ chức họp báo đưa ra yêu sách đòi phải để Liên hợp quốc và EU cũng như các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm thương mại Imperial Lat Phrao, Chủ tịch UDD Jatuporn Prompan nói rằng dự thảo hiến pháp mới và luật trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới khiến người dân hết sức lo ngại do Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) và Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) đã đưa ra các giải thích dễ gây nhầm lẫn về các nội dung của dự thảo hiến pháp cũng như Điều 61 của Luật trưng cầu dân ý về hiến pháp mới.
Điều khoản này áp dụng chế tài phạt tù đến 10 năm và tước quyền bầu cử đối với những người có hành vi phá hoại cuộc trưng cầu dân ý, điều mà ông Jatuporn nói là rất mơ hồ và khiến người dân sợ hãi.
Thủ lĩnh UDD yêu cầu mời Liên hợp quốc, EU và các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7/8 tới để đảm bảo sự minh bạch của kết quả.
Ông Jatuporn cũng kêu gọi cử tri toàn Thái Lan đi bỏ phiếu để đảm bảo quan điểm của họ đối với dự thảo hiến pháp mới được thể hiện rõ ràng và chính xác nhất đồng thời tham gia cùng UDD giám sát các hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả tại các điểm bỏ phiếu.
Cũng tại cuộc họp báo, một lãnh đạo khác của UDD, bà Thida Thavornseth, đã nói rõ phe Áo Đỏ phản đối dự thảo hiến pháp mới vì hệ thống bầu cử quy định trong văn kiện này sẽ tạo ra một chính phủ liên minh yếu ớt, dễ sụp đổ và đẩy đất nước một lần nữa rơi vào khủng hoảng.
Bà này cũng nhấn mạnh UDD phản đối việc trao cho Thượng viện được chỉ định các quyền bầu Thủ tướng và luận tội các thành viên của cơ quan lập pháp và hành pháp.
Lãnh đạo của UDD cho rằng theo hệ thống chính trị mà dự thảo hiến pháp mới xây dựng, các chính đảng dù có giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới cũng không thể thực hiện các chính sách mà họ đã cam kết với cử tri khi vận động tranh cử nếu các chính sách này không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện và Tòa án Hiến pháp được chính quyền quân sự hiện nay chỉ định./.