Phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot không thực sự đột phá

Kết quả cho thấy ba tháng sau ca đại phẫu, tình trạng sức khỏe cũng như chức năng tiểu tiện và hoạt động tình dục của cả 2 nhóm bệnh nhân đều tương tự nhau.
Phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot không thực sự đột phá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: coganpower.com)

Được quảng bá như một phương pháp "đột phá và mang tính cách mạng," song một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy các ca phẫu thuật bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot không mang lại kết quả vượt trội hơn so với phẫu thuật truyền thống.

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, các chuyên gia y tế Australia đã tiến hành đánh giá và so sánh kết quả của các ca phẫu thuật với chi phí cao có sự hỗ trợ của robot và các ca phẫu thuật truyền thống.

 

Cụ thể, 308 bệnh nhân nam bị ung thư tuyến tiền liệt đã được chia thành hai nhóm tiếp nhận phẫu thuật bằng phương pháp hiện đại (nhóm 1) và truyền thống (nhóm 2), dưới sự phụ trách của hai bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm.

Kết quả cho thấy ba tháng sau ca đại phẫu, tình trạng sức khỏe cũng như chức năng tiểu tiện và hoạt động tình dục của cả 2 nhóm bệnh nhân đều tương tự nhau.

Điểm khác biệt lớn nhất là những bệnh nhân thuộc nhóm 2 bị mất máu nhiều hơn trong quá trình phẫu thuật so với nhóm 1, nhưng không có bệnh nhân nào phải truyền máu.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết không có sự khác biệt về thống kê nào liên quan đến chất lượng sống của 2 nhóm bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu.

Hiện những bệnh nhân này sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng hai năm để các nhà nghiên cứu có thể đánh giá toàn diện hơn về kết quả áp dụng hai phương pháp trên.

Trong thời gian gần đây, các bác sỹ thường khuyến cáo những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt về việc phẫu thuật bằng phương pháp có sự trợ giúp của robot, cho rằng công nghệ hiện đại sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong phương pháp phẫu thuật này, robot sẽ sử dụng một máy quay phim 3D, qua đó cho phép bác sỹ quan sát được hình ảnh phóng đại toàn bộ bên trong ổ bụng của bệnh nhân thông qua một vết rạch nhỏ.

Robot này có bốn cánh tay để giữ máy quay và các dụng cụ phẫu thuật khác.

Hai bác sỹ sẽ không trực tiếp cầm dao mổ, mà thực hiện ca phẫu thuật qua việc điều khiển các cánh tay robot.

Tuy nhiên, phương pháp hiện đại này thường rất tốn kém khi có chi phí cao lên tới 10.000 USD.

Ung thư tuyến tiền liệt là một dạng ung thư rất nguy hiểm xuất hiện ở nam giới và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Tuy phát triển chậm nhưng bệnh có thể di căn sang các khu vực khác, đặc biệt là xương và các hạch bạch huyết.

Khi bị mắc ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh có cảm giác đau đớn và khó khăn mỗi khi đi tiểu, quan hệ tình dục gặp nhiều vấn đề...

Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có 1 triệu nam giới bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, trong đó có khoảng 18.000 người Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục