Ngày 9/10, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông tin các bác sỹ của Bệnh viện vừa phẫu thuật, điều trị thành công cho một bệnh nhân có khối u khổng lồ ở thành bụng hiếm gặp.
Bệnh nhân P. B. Đ. 88 tuổi, ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội, có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mổ mở thủng ổ loét dạ dày tá tràng cách 8 năm, sau mổ 1 năm bệnh nhân xuất hiện khối u phồng thành bụng.
[Lần đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật u cơ mỡ mạch thận lan tới tim]
Người nhà của bệnh nhân cho hay ban đầu khối u phồng nhỏ và chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nên bệnh nhân và gia đình chủ quan không đi khám. Sau đó, khối u phồng to lên, tuy nhiên với tâm lý tuổi cao, ngại đi khám bệnh nhân vẫn ở nhà. Đến khi khối u quá to, bệnh nhân không đi lại được, bụng trướng, nôn nhiều mới tới bệnh viện.
Bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng tỉnh, thể trạng gầy, suy kiệt, rối loạn nước, điện giải. Khối u thoát vị lớn thành bụng vị trí vết mổ cũ đường trắng giữa trên dưới rốn đường kính 30cm, sờ thấy quai ruột nổi ngay dưới da thành bụng, có dấu hiệu tắc ruột (đau bụng, nôn, bí trung đại tiện).
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị lớn thành bụng, bán tắc ruột do dính, viêm túi mật do sỏi/suy tim, tràn dịch màng tim, màng phổi, tăng huyết áp, suy kiệt.
Xác định đây là trường hợp bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền, bệnh lý ngoại khoa để đến giai đoạn nặng, rất khó khăn cho quá trình phẫu thuật và hậu phẫu.
Các bác sỹ Khoa Ngoại tiêu hóa đã phối hợp, hội chẩn các chuyên khoa Tim mạch, Hô hấp, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực để đưa ra phương án an toàn nhất cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được điều trị ổn định tình trạng suy tim, tràn dịch đa màng, bồi phụ nước, điện giải, nâng cao thể trạng và được tiến hành phẫu thuật.
Tổn thương trong phẫu thuật của bệnh nhân rất nặng nề, gần như toàn bộ ruột tràn ra ngoài ổ bụng do khuyết cân cơ thành bụng đường kính 25cm và ruột nằm ngay dưới lớp da rất mỏng. Hậu quả của việc ruột bị ứ đọng nhiều năm trong bọc gây dính, gây xoắn mạc treo ruột non, rất may bệnh nhân không có hoại tử ruột.
Sau khi gỡ dính, làm xẹp ruột, cắt túi mật, các bác sỹ tiến hành tạo hình lại thành bụng, dùng tấm lưới nhân tạo 30x30 cm để phục hồi thành bụng, tránh tái phát. Do khuyết cân cơ rất lớn 25x25cm nên việc phục hồi thành bụng hết sức khó khăn.
Ca phẫu thuật được hoàn thành sau hơn 2 giờ đồng hồ, sau mổ bênh nhân được chăm sóc, theo dõi phối hợp của các bác sỹ ngoại và bác sỹ gây mê hồi sức.
Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã đi lại, ăn uống tốt, vết mổ khô và trở lại sinh hoạt bình thường.
Bác sỹ Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết thoát vị thành bụng là bệnh thông thường, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử mổ vùng bụng, khi thành bụng yếu, nhiễm trùng vết mổ hay dinh dưỡng kém chính là điều kiện thuận lợi cho các tạng rời khỏi vị trí và ra ngoài. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân đến muộn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, hoại tử ruột…
Vì vậy, bác sỹ khuyến cáo các bệnh nhân nên khám định kỳ để phát hiện, xử lý sớm tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng./.