Các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương vừa phẫu thuật phổi thành công cho cụ ông 90 tuổi với nhiều bệnh lý phức tạp. Đây là người bệnh cao tuổi nhất từ trước tới nay được phẫu thuật phổi.
Bệnh nhân tên H.Đ.N. (90 tuổi), đang sinh sống tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc). Cụ N. từng là bác sỹ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bưu Điện, có tiền sử đau tức ngực trái, xơ vữa mạch ở nhiều nơi.
[Ghi nhận trường hợp 'người cây' đầu tiên tại Việt Nam]
Gia đình đã đưa cụ N. đi khám tại Qatar và được các bác sỹ tại đây phát hiện cụ bị tràn dịch màng phổi hai bên, đặc biệt là phổi trái. Trong quá trình điều trị, các bác sỹ Qatar chỉ chọc hút dịch màng phổi mà không điều trị thêm.
Sau đó, cụ N. được chuyển về một số bệnh viện tại Việt Nam nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Gia đình quyết định đưa cụ N. sang Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, các bác sỹ đã khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán cụ N. bị tràn dịch màng phổi trái, dày dính màng phổi xơ vách, đông đặc nhu mô phổi.
Không chỉ mắc các bệnh lý về phổi, bệnh nhân N. cũng mắc các bệnh lý phức tạp khác như xơ vữa động mạch nhiều nơi, suy tim, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, suy thận độ I… nên việc điều trị cho cụ N. gặp không ít khó khăn.
Để có thể chẩn đoán xác định nguyên nhân và can thiệp cải thiện chức năng phổi cho bệnh nhân, các chuyên gia hàng đầu của các khoa: Phẫu thuật lồng ngực, Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao, Gây mê hồi sức cùng Bệnh viện Tim Hà Nội đã tiến hành hội chẩn và đưa ra quyết định sẽ phẫu thuật nội soi màng phổi can thiệp cho cụ.
Theo tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong quá trình mổ, bệnh nhân được tiến hành gây mê đa mô thức, phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ của hệ thống nội soi (VAS). Khu vực màng phổi của bệnh nhân có những khối đông đặc, tổ chức mủn nên rất dễ chảy máu, việc bóc tách diễn ra khá khó khăn.
Các bác sỹ đã áp dụng kỹ thuật gây mê hồi sức, kỹ thuật mổ nội soi tiên tiến nhất hiện nay và bóc tách màng phổi thành công cho bệnh nhân. Đây là những kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn cao.
Hiện tại, một ngày sau phẫu thuật, cụ N. đã có thể đi lại, nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt bình thường./.