Phẫu thuật khối bướu khổng lồ trên mặt cho bệnh nhi 12 tháng tuổi

Bé trai G.B (12 tháng tuổi) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trong tình trạng có một khối bướu lớn ở má trái, kích thước 16x16x10cm.
Phẫu thuật khối bướu khổng lồ trên mặt cho bệnh nhi 12 tháng tuổi ảnh 1Bệnh nhi sau khi đã được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối bướu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 28/2, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa thực hiện phẫu thuật khối bướu khổng lồ trên mặt cho một bệnh nhi 12 tháng tuổi.

Bệnh nhi là bé trai G.B (12 tháng tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trong tình trạng có một khối bướu lớn ở má trái, kích thước 16x16x10cm.

Trước đó, vào khoảng giữa năm 2018, bé G.B bắt đầu có hiện tượng sưng ở phần má trái. Gia đình đưa bé đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là sưng nướu răng, rồi cho thuốc về uống. Tuy nhiên, từ chỗ sưng mọc lên một khối bướu và ngày một lớn dần khiến bé đau đớn vật vã, khó ăn khó ngủ, cơ thể gầy ốm xanh xao.

Phẫu thuật khối bướu khổng lồ trên mặt cho bệnh nhi 12 tháng tuổi ảnh 2Bệnh nhi với khối bướu khổng lồ trên má trái. (Ảnh: TTXVN phát)

Khi khối bướu to bằng quả bưởi và vẫn không ngừng lớn thêm, gia đình quyết định đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, bệnh nhi đã được chụp X-quang, chụp CTScan, xét nghiệm tầm soát.

Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt bướu vì khối bướu đang có dấu hiệu phát triển to lên rất nhanh, nhanh hơn sự phát triển vòng đầu của bệnh nhi.

Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết khối bướu cần được sinh thiết giải phẫu bệnh để loại trừ nguyên nhân ác tính, nếu đợi bệnh nhi lớn hơn một chút mới phẫu thuật thì tiên lượng xấu rất cao.

[Bóc tách khối u buồng trứng nặng 20kg cho một nữ bệnh nhân]

Ngoài ra, điều mà các bác sỹ lo lắng là bướu sẽ lan đến vùng hàm mặt, chèn ép cổ - nơi có nhiều mạch máu lớn và hệ thống đám rối thần kinh cực kỳ phức tạp. Nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến liệt cơ mặt và cả cánh tay, thậm chí chèn ép đường thở.

Sau hơn 6 giờ phẫu thuật đầy phức tạp, các bác sỹ đã cắt trọn khối bướu còn nguyên vỏ bao và gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, tạo hình thẩm mỹ tái tạo vùng da cổ và nếp má.

Ngày 28/2, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và được cho xuất viện với gương mặt lành lặn. Tuy nhiên các bác sỹ lưu ý phụ huynh phải đưa bé đi tái khám đúng lịch để theo dõi nguy cơ tái phát của khối bướu.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, các loại u bướu hình thành và phát triển trong giai đoạn trẻ đang lớn thường dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng áp xe.

Do đó, khi phát hiện trẻ có u bướu lớn nhanh, gây đau, biến dạng thì phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ đánh giá và xử lý chính xác, kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục