Những nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh động kinh cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 5‰ người bị bệnh động kinh. Như vậy, với dân số khoảng gần 100 triệu người sẽ có khoảng 500.000 người bị động kinh.
Đáng lưu ý, tỷ lệ người Việt Nam bị bệnh động kinh bỏ thuốc cao hơn nước ngoài rất nhiều. Những bệnh nhân được chẩn đoán dùng thuốc nhưng họ không điều trị đầy đủ lên tới 80%.
Sau mỗi lần bệnh nhân điều trị không đầy đủ, lần sau cơn bệnh nặng lên và chuyển sang tình trạng nặng hơn.
Thông tin trên được tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Khoa Nội-Hồi sức Thần kinh, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) cho biết tại hội nghị khoa học thường niên Hội chống động kinh Việt Nam diễn ra sáng 11/3 tại Hà Nội.
Tiến sỹ Tuấn phân tích, những bệnh nhân không điều trị đầy đủ như không dùng thuốc, dùng thuốc không đúng chỉ định khiến bệnh ngày càng nặng lên và cũng gây ra tình trạng kháng thuốc.
Những nghiên cứu đã chỉ ra, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân động kinh kháng thuốc trung bình 30%.
Theo bác sỹ Tuấn, phẫu thuật điều trị động kinh là phương pháp trên thế giới đã áp dụng lâu. Với Việt Nam đây là một phương pháp mới, chưa có nhiều nơi triển khai. Tại Việt Nam, khu vực phía Bắc trước đây có Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật cho khoảng 40 trường hợp.
Hiện nay, tại Trung tâm phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Việt Đức), đang bắt đầu tiến hành nghiên cứu, phẫu thuật thần kinh để áp dụng cho các bệnh nhân động kinh kháng thuốc.
Tiến sỹ Tuấn cho hay, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân động kinh điều trị bằng thuốc thông thường không đáp ứng, bệnh nhân vẫn còn những cơn co giật. Chính vì vậy, phẫu thuật động kinh cũng là một phương pháp rất quan trọng để điều trị bệnh này.
Bệnh nhân nào đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn và xác định được chính xác vị trí bị tổn thương thì lúc đó sẽ tiến hành phẫu thuật.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức bắt đầu triển khai phương pháp mới này và đã tiến hành 2 ca phẫu thuật cắt thùy thái dương trên bệnh nhân xơ hóa hải mã.
Kết quả bước đầu cho thấy, bệnh nhân đã giảm cơn động kinh nhiều nhưng vẫn cần theo dõi thêm./.