Ngày 23/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Đức, sinh năm 1978, cựu chuyên viên Phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, 8 năm tù và Nguyễn Tiến Phúc, sinh năm 1979, trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội, 7 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, trong khoảng năm 2021-2022, Nguyễn Tiến Phúc (vốn làm nghề chữa bệnh đông y) và Đặng Anh Đức không công tác trong Bộ Quốc phòng, không có chức năng, nhiệm vụ, không có khả năng xin cho các doanh nghiệp được tham gia dự án đóng tàu cho Bộ Quốc phòng.
Nhưng với mục đích muốn được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu và giúp đỡ, Phúc đã đưa ra thông tin không đúng về dự án đóng tàu của Bộ Quốc phòng và chủ động nhắn tin cho Đức chuyển hồ sơ của doanh nghiệp có nhu cầu đóng tàu để Phúc giúp, đồng thời còn yêu cầu Đức chuyển chi phí để Phúc đi quan hệ lo việc.
Xuất phát từ thông tin Phúc đưa ra và sự hứa hẹn của Phúc nên Đức đã trực tiếp trao đổi, giới thiệu với anh Phạm Bình M (Giám đốc một công ty xây dựng và xuất nhập khẩu quốc tế) về dự án đóng tàu của Bộ Quốc phòng.
Theo thông tin các bị cáo đưa ra, Bộ Quốc phòng có dự án đóng tàu vận tải xa bờ trọng tải từ 5.000-10.000 tấn. Bị cáo hứa hẹn giúp cho công ty của anh M được ký hợp đồng đóng tàu cho Bộ Quốc phòng.
Tin tưởng thông tin bị cáo đưa ra, anh M đã chuyển tổng số 930 triệu đồng cho Đức để nhờ bị cáo này giúp cho công ty của anh M được đóng 2 tàu cho Bộ Quốc phòng.
Hết thời hạn cam kết mà không thấy công ty của mình được ký hợp đồng đóng tàu nên tháng 9/2022, anh M đã làm đơn gửi đến Cơ quan Điều tra tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo.
Cơ quan Điều tra đã làm rõ, sau khi nhận tiền, Đức chuyển cho Phúc 230 triệu đồng để nhờ Phúc xin cho công ty của anh M được ký hợp đồng, số tiền còn lại Đức dùng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.
Sau khi nhận hồ sơ và tiền từ Đức, Phúc không giúp được cho doanh nghiệp của anh M ký hợp đồng đóng tàu cho Bộ Quốc phòng song cũng không trả lại tiền, thậm chí Phúc còn tiếp tục hứa hẹn sẽ giúp đỡ cho công ty của anh M.
Cơ quan Tố tụng xác định, Phúc là người tạo tiền đề để Đức trao đổi, hứa hẹn và chiếm đoạt 930 triệu đồng của anh M. Do đó, hành vi của Phúc có vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án. Đến nay, Phúc đã chuyển trả cho Đức 220 triệu đồng, còn 10 triệu đồng Phúc tự đối trừ khoản nợ của Đức trước đó.
Còn Đức mới trả được cho anh M số tiền 180 triệu đồng, còn lại số tiền 750 triệu đồng trong quá trình điều tra, gia đình Đức đã trả lại hết cho anh M.
Xác minh tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho thấy năm 2021-2022, Tổng cục không mở dự án đóng mới tàu, do Tổng cục này là đơn vị quản lý các đơn vị đóng tàu Quân đội nên không làm chủ đầu tư dự án, không mở thầu, đấu thầu. Năm 2021-2022, đơn vị không có người nào tên Đặng Anh Đức, hay Phạm Bình M liên hệ gửi hồ sơ dự thầu tại các đơn vị đóng tàu thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng./.
Xét xử vụ án sử dụng mạng máy tính, viễn thông lừa đảo chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng
Các đối tượng đã truy cập bất hợp pháp tài khoản đăng nhập của hệ thống F1 của Công ty tài chính, chỉnh sửa thông tin, giải ngân cho 894 khách hàng với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.