Ngày 5/12, Tòa án Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Thanh Sang và 8 bị cáo khác lợi dụng việc người dân tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để gây rối và đập phá tài sản của một số doanh nghiệp.
Đây là vụ xét xử các đối tượng gây rối tiếp theo phiên tòa xét xử nhóm đối tượng gây rối ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hồi tháng Năm, vừa kết thúc ngày 3/12 vừa qua.
Chín bị cáo gồm Lê Thanh Sang (sinh năm 1992, quê Sóc Trăng), Ông Bình Luận (sinh năm 1992, quê Sóc Trăng), Huỳnh Văn Trí (sinh năm 1996, quê Kiên Giang), Trần Hữu Thọ (sinh năm 1978, quê Bình Định), Nguyễn Minh Luận (sinh năm 1995, quê Bến Tre), Nguyễn Văn Hoài Thương (sinh năm 1993, quê Bến Tre), Huỳnh Văn Sang (sinh năm 1995, quê An Giang), Trần Văn Tùng (sinh năm 1994, quê Thái Nguyên), Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1993, quê Vĩnh Long) bị Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp truy tố tội danh “Gây rối trật tự nơi công cộng” theo điểm a, khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự.
Tòa án Nhân dân huyện Nhơn Trạch tuyên phạt 9 bị cáo, mỗi bị cáo 1 năm tù.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Nhơn Trạch, lúc 21 giờ 30 phút ngày 13/5/2014 các bị cáo trên biết có nhiều người tụ tập gây rối tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên đã cùng đám đông vào các doanh nghiệp, gây mất trật tự và đập phá tài sản.
Lê Thanh Sang điều khiển xe môtô chở Ông Bình Luận cùng Nguyễn Minh Luận, Thương, Phong, Thọ đi theo đám đông đến các công ty trong Khu công nghiệp để hò hét, đập phá.
Khi đến Công ty Texhong, Huỳnh Văn Sang, Nguyễn Thanh Phong, Trần Văn Tùng dùng các hung khí như khúc gỗ, thanh sắt và dùng đá đập, ném bể tài sản của doanh nghiệp.
Sau đó, tất cả kéo sang Công ty Minh An và Công ty Hualon. Lúc này Nguyễn Minh Luận, Nguyễn Văn Hoài Thương cầm mỗi người một cây sắt đập bể kính của công ty. Luận tiếp tục chở Thương đi theo đoàn người đến các Công ty CSB DeBon, Center Power Tech hò hét đập phá.
Khi đến Công ty Nhân Đức, Thương chạy vào trong công ty lấy một bộ vi xử lý máy tính (CPU) bỏ lên xe rồi cả hai cùng chở về phòng trọ cất giấu.
Đến ngày 14/5, Thương và Luận chở CPU đi tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ. Sau đó, lực lượng công an đưa một số đối tượng quá khích về đồn giải quyết thì đoàn người kéo đến hò hét, yêu cầu thả người. Khi Trần Hữu Thọ cầm một thanh sắt xông vào bên trong đồn công an giải cứu cho những đối tượng bị bắt thì bị cơ quan công an khống chế bắt giữ.
Tại phiên tòa, 9 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên đã thực hiện những hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Các bị cáo mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với gia đình, xã hội và trở thành người công dân có ích./.