Phát triển Xanh: Mới 'chuyển động' ở các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn

Việc phát triển xanh hiện này mới diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn nhưng chưa chưa có chuyển biến rõ nét.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TH)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TH)

Tại Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VIII - năm 2024, với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” diễn ra ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết trong thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, ông Thành thẳng thắn đánh giá sự thay đổi trên chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng khá lớn nhưng vẫn chưa thực sự quan tâm thích đáng tới việc chuyển đổi xanh, chưa có chuyển biến rõ nét.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tiễn trên cho thấy trong thời gian tới cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” cũng như huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội,” ông Thành nhấn mạnh.

Do đó, ông Thành đề nghị đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia cung cấp đến các nhà báo, phóng viên những thông tin cần thiết về lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26,” ông Thành chia sẻ thêm.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh Diễn đàn sẽ tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của doanh nghiệp.

Trọng tâm là trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.

vnp_thu truong la cong thanh.PNG
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn đàn bao gồm 2 phiên. Thứ nhất là phiên tham luận về “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất.” Mỗi ý kiến được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể về phát triển Kinh tế Xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với “luật chơi” biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong phiên tiếp theo với chủ đề “Con đường đến đích xanh,” các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, về điểm yếu của các doanh nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông giải pháp trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế, cũng như những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn.

Đáng chú ý tại diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025). Đây cũng là hành động thiết thực của giới báo chí cùng đồng hành thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, cùng đến đích xanh của nền kinh tế tương lai./.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm.

Thứ nhất là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54).

Thứ hai là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục