Phát triển Xanh luôn là hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra định hướng: "Phát triển Du lịch Xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường."
Điểm du lịch sinh thái tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tại Việt Nam, phát triển bền vững, phát triển xanh luôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành du lịch.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.

Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra định hướng: "Phát triển Du lịch Xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường."

Du khách nước ngoài thích thú với du lịch khám phá tại Vườn quốc gia Cát Bà. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Trong năm 2022-2023, Năm Du lịch Quốc gia đã chọn chủ đề về Du lịch Xanh nhằm thực hiện Chiến lược nêu trên.

Năm Du lịch Quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến Du lịch Xanh” nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, Du lịch Xanh, Bền vững.

Tỉnh Quảng Nam đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch thế mạnh gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đậm bản sắc...; khai thác bền vững các di sản văn hóa thế giới, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử...

Theo Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): trong năm 2022, Quảng Nam đã đón 4,8 triệu du khách; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.800 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Tháng 4/2023, trong danh sách 4 điểm đến Du lịch Xanh (du lịch bền vững) của châu Á, Quảng Nam của Việt Nam là điểm đến xanh hàng đầu của châu lục cùng với Bhutan, Singapore và đảo Ataúro của Đông Timor do chuyên trang du lịch nổi tiếng Wanderlust của Anh lựa chọn.

Năm 2023, chủ đề Năm Du lịch Quốc gia tại Bình Thuận cũng được lựa chọn là “Bình Thuận - Hội tụ Xanh.” Đây chính là thông điệp một lần nữa khẳng định nhất quán chủ trương, định hướng thống nhất hành động, liên kết tất cả địa phương, điểm đến, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ngành du lịch đưa du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của Du lịch Xanh, nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch.

Những đổi mới trong phát triển Du lịch Xanh được nhìn thấy rõ nét hơn ở những tỉnh miền núi như Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La), Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...

Nhiều bản du lịch cộng đồng được hình thành dựa trên phát huy bản sắc dân tộc và thiên nhiên.

Với những tiêu chí về Du lịch Xanh, Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính là biển đảo, văn hóa-lịch sử và khoa học. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực; du lịch văn hóa-thể thao-khoa học là tiềm năng, thế mạnh, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng.

Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách. Khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường.

Tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách. Chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực du lịch và phương án sẵn sàng bảo đảm du lịch an toàn, hiệu quả.

Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về Du lịch Xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc Tây Nguyên trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum.

Tỉnh có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.

Bến Tre cũng đang đẩy mạnh phát triển Du lịch Xanh. Đây là tỉnh có thế mạnh du lịch về sinh thái với những vườn dừa xanh rộng lớn, nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu...

Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế cũng đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề "Du lịch Xanh" như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm.

Tại các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội..., nhiều cơ sở lưu trú chủ trương không sử dụng túi nylon, vật dụng nhựa.

Các du khách nước ngoài rất ủng hộ việc làm của huyện đảo Cô Tô, vui vẻ đổi túi nylon sang túi giấy. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Không ít địa phương đã có những phương thức du lịch gắn với bảo vệ môi trường, như huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đề nghị du khách không mang túi nylon, đồ dùng bằng nhựa ra đảo, tổ chức tour du lịch nhặt rác; tỉnh Quảng Nam phát động chiến dịch không sử dụng túi nylon; Côn Đảo đã khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa với thông điệp "Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương" với nhiều hoạt động thiết thực.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh.

Từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta cũng như xu hướng nhu cầu của du lịch thế giới, có thể thấy rằng việc phát triển Du lịch Xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam.

Các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục