Quy hoạch vùng Tây Nguyên nhằm cụ thể hóa hơn phương phướng tổ chức không gian và phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng được đề ra Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành cấp quốc gia đã và đang được phê duyệt.
Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững
Xác định rõ vị trí vai trò đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng. Theo đó, bộ đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, 5 địa phương trong vùng và các địa phương liền kề, sau đó đã có Tờ trình gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên Chuyên đề về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 30/11.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Làm rõ hơn vai trò, vị trí vùng Tây Nguyên
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Tuy nhiên, phát triển của vùng trong thời gian vừa qua còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại, GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp…
Đánh giá ghi nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra những hạn chế và yếu kém trên chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng. Thêm vào đó, tư duy của các cấp quản lý về liên kết vùng chậm được đổi mới. Do đó, chất lượng các quy hoạch thấp, thiếu liên kết và đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Đặc biệt là hoạt động quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả…
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của đất nước.
Mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ bản Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường” và chủ động kiến tạo phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng. Trong số đó, các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh đã được chú trọng giải quyết, từ đó tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
“Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Với tầm quan trọng đó, Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ hai về Quy hoạch có ý nghĩa trong việc thực hiện hiệu quả vai trò của Hội đồng cũng như tìm ra những "nút thắt, điểm nghẽn" phát triển của vùng và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Hội nghị đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá. Cụ thể, Quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển; trong đó việc quan trọng là phải tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới một cách bền vững; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; từng bước tái cơ cấu và phát triển kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là Đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của vùng; trong đó bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước.
Việc tổ chức không gian vùng được xác lập trên cơ sở tuân thủ các không gian bảo tồn tự nhiên, sinh thái, môi trường và tuân thủ không gian cho các khu vực an ninh, quốc phòng, phát huy lợi thế và điệu kiện phát triển đặc thù.
Cụ thể, phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”. Trong đó, 3 cực phát triển gồm thành phố Pleiku, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt; 3 tiểu vùng gồm Bắc Tây Nguyên (Kon Tum và Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk), Nam Tây Nguyên (Đắk Nông và Lâm Đồng); 5 hành lang kinh tế gồm phía Đông Tây, Bờ Y-Pleiku-Quy Nhơn, Mundulkiri-Đắk Lắk-Phú Yên, dọc cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa, dọc cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt-Nha Trang, Bu Prăng-Gia Nghĩa-Bảo Lộc-Bình Thuận.
Mặt khác, quy hoạch vùng hướng tới thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng theo lợi thế và vị thế để trở thành các cực tăng trưởng, Ưu tiên bố trí ổn định các điểm dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán và phương thức sản xuất mới.
Về hạ tầng, kết nối đồng bộ trong đó hạ tầng số, hạ tầng giao thông là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên đến với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo tồn các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh, lịch sử cảnh quan; từng bước thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt. Nguồn nước ngầm cũng như các nhà máy sử dụng nước ngầm sẽ được chuyển đổi thành nguồn dự trữ để tăng an toàn cấp nước.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để thẩm định và dự kiến trình phê duyệt trong tháng 12/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến với tinh thần cầu thị cao nhất để sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng, trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.