Sáng 15/12, tại thành phố Nha Trang, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: biển Việt Nam rất đa dạng, phong phú về tài nguyên và có tiềm năng rất lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng. Giai đoạn 2011-2022, giá trị tổng sản phẩm trong nước GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước.
Tuy vậy, nhiều lợi thế, tiềm năng của biển vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Một phần nguyên nhân là do công tác quy hoạch phát triển liên quan đến biển còn thiếu tính tổng thể; thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo chưa được vận hành thông suốt.
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đây là quy hoạch mới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với phạm vi quy hoạch rộng.
Ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch có tính đa ngành, tổng hợp; sắp xếp, phân bố hợp lý không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để quản lý khai thác bền vững, hiệu quả tài nguyên vùng bờ.
Việc triển khai thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế-văn hóa sôi động, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển; là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển. Đồng thời, Quy hoạch được phê duyệt cũng là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, kết hợp với củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia trên biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tập trung triển khai Quy hoạch; chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung có liên quan trong Quy hoạch cấp tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương; xây dựng, ban hành, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ, dự án để thực hiện hiệu quả Quy hoạch.
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Qua gần 10 năm (2015-2024) triển khai thực hiện Luật đã góp phần nâng cao công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiện nay.
Để thực hiện tốt hơn Luật này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tập trung vào việc đề xuất hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng không gian các khu vực biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ; làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để luật hóa phát triển mô hình kinh tế biển xanh; giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển, an ninh tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, thực thi hiệu quả các thỏa thuận, điều ước quốc tế về tài nguyên, môi trường biển mà Việt Nam là thành viên; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; loại bỏ các quy định rườm rà, phức tạp, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; tăng cường hiệu quả công tác điều phối, phối hợp, kết hợp với công tác thanh, kiểm tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển…
“Tôi tin tưởng rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để hoàn thiện thể chế chính sách, đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các chiến lược, quy hoạch về biển sẽ tiếp tục tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, không gian biển, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp với tăng cường tiềm lực, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết./.
Đẩy mạnh Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng ban hành, theo đó các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được phân giao đến từng bộ, ngành, địa phương.