Phát triển văn hóa học đường: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục.
Để xây dựng và phát triển văn hóa học đường cần sự chung tay của toàn xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Chiều 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường.” Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Hội nghị nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường công tác xây dựng văn hoá học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới.

Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.”

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giá trị văn hóa trong học đường đã và đang được duy trì nhưng đứng trước yêu cầu mới về phát triển con người thì nhiệm vụ này cần tiếp tục đẩy mạnh. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, bộ đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng thực tiễn cho thấy vẫn còn những hạn chế như công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Đây cũng là những mặt tiêu cực được phó giáo sư Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng như nhiều đại biểu chỉ ra. Theo ông, vẫn còn bộ phận không nhỏ học sinh sinh viên có thái độ, hành vi lệch chuẩn, tình trạng “chạy trường,” “chạy điểm,” “chạy thành tích gây bức xúc trong dư luận.

Phối hợp nhiều giải pháp

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn liên quan.

Các đại biểu tham gia tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập các nguyên tắc ứng xử, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, đoàn thể trong xây dựng văn hóa học đường cũng là quan điểm của các đại biểu tham gia hội nghị. Đây cũng là tinh thần của chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ với các nhiệm vụ cụ thể được giao cho nhiều bộ ngành.

[Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng xây dựng văn hóa học đường]

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho hay bộ này đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chỉ thị 08, từ đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế giáo dục, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đẩy mạnh các đề án liên quan.

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Học sinh, sinh viên Việt Nam cho biết thời gian tới, đơn vị này sẽ mở rộng các hoạt động tập huấn, gia tăng tần suất tổ chức các cuộc thi, diễn đàn về rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân rộng các mô hình giáo dục tiêu biểu…

Đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng văn hóa học đường không gì khác là tạo dựng hệ giá trị và bồi dưỡng, uốn nắn các hành vi, thái độ của người học.

“Ngành giáo dục chỉ là một phần của xã hội nên để phát triển văn hóa học đường không thể chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được. Tôi hy vọng hội nghị sẽ là mốc để thúc đẩy sự hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu rất rộng lớn này,” tư lệnh ngành giáo dục nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục