Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu phát triển trung tâm tài chính của TP.HCM là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia.
Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực ảnh 1Một phiên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Với những lợi thế sẵn có, cộng thêm cục diện chính trị, kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, mới đây, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa đề xuất phát triển thành phố thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn 2045; bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tận dụng lợi thế đặc thù

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để hình thành một trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế.

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như đóng góp không nhỏ vào việc duy trì sự tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung.

Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước mà còn là thu hẹp và bắt kịp các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.

[Trung tâm tài chính TP.HCM: Nơi quy tụ các doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô]

Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ, một trong những giải pháp để bắt nhịp với xu thế là xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực, từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có bước cải thiện vượt bậc trong năm 2019, tăng 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF.

Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính. Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong khoảng thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… và xa hơn chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh mặc dù chỉ chiếm 9,35% dân số và 0,63% diện tích nhưng trong năm 2019, thành phố đã đóng góp 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán-sáp nhập, các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối…

Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính của thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán... đóng góp vai trò quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả nước trong việc huy động và phân bổ vốn cho nền kinh tế.

Mặt khác, trong những năm qua, thị trường tài chính của Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn thành phố hiện vào loại cao nhất so với địa bàn khác trên cả nước.

Tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã có 2.138 đơn vị; trong đó có hội sở, phòng giao dịch, chi nhánh của 50 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh. Tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố chiếm 24,09% tổng vốn huy động cả nước vào năm 2019.

Tổng dư nợ cho vay ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Điều này cho thấy nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Động lực phát triển trong dài hạn

Theo ông Nguyễn Thành Phong, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do điều kiện chưa chín muồi nên ý tưởng chưa trở thành hiện thực. Đến nay, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập.

Việc định hướng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mang tầm khu vực không chỉ củng cố vai trò vốn có của thành phố như một trung tâm kinh tế-tài chính-thương mại trong nền kinh tế Việt Nam, mà còn tác động tích cực đối với nguồn cung vốn-huyết mạch của nền kinh tế.

Sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư và kéo theo sự phát triển hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ tài chính phụ trợ, hình thành cơ sở hạ tầng, môi trường sống chất lượng cao.

Theo kế hoạch, trong ngắn hạn, trung tâm tài chính tại thành phố sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia.

Trong trung hạn sẽ định hướng tầm cỡ khu vực. Bước đầu, trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, hay Brunei.

Tiếp đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính, không chỉ cho các nước trong ASEAN mà rộng hơn thế.

Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Trong dài hạn, trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hút những nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu toàn cầu.

Tuy vậy, khoảng cách để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính mang tầm quốc tế hiện vẫn còn khá xa, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó có sự chỉ đạo nhất quán từ trung ương đến địa phương.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyên Hiệu Trưởng Đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng triển vọng hình thành trung tâm tài chính quốc tế của thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa nó trước tiên là phải kiến tạo một nền móng kinh tế tương ứng. Trên cơ sở đó, cần có một giải pháp tích cực, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực tài chính cấu thành trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ khó hình thành sớm nếu Việt Nam không có một chính sách phát triển và hội nhập đích thực cũng như tiến hành công cuộc cải cách hành chính công mà cũng có thể gọi là cuộc “cách mạng” về cơ chế vận hành bộ máy công quyền hiện hữu - ông Nguyễn Thanh Tuyền đánh giá.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, để thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cần có sự đột phá từ chính sách đến tầm nhìn, không chỉ nỗ lực của riêng thành phố mà cần sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cần bảo đảm nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đặc biệt là chuyên gia quốc tế; đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan; điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, độ tin cậy cao...

Để hiện thực hóa chủ trương này, mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn năm 2045; đồng thời, bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đây là những điều kiện tiên quyết để mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hiện thực trong thời gian tới, thay vì bị trì hoãn như nhiều năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục