Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên hơn 593km2.
Mục tiêu chiến lược phát triển Phú Quốc đã được Chính phủ và tỉnh Kiên Giang xác định là xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững; hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia. Từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh Kiên Giang.
Năm 2021, thành phố Phú Quốc phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2020. Trên cơ sở đó, Phú Quốc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Kiên Giang.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc, năm 2021, thành phố phấn đấu giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt 4.549 tỷ đồng, tăng 3,32%; công nghiệp-xây dựng đạt 16.723 tỷ đồng tăng 9,76%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 25.000 tỷ đồng; thu ngân sách 3.400 tỷ đồng; đón 2 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch; giảm hộ nghèo còn 0,28%...
Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường nhấn mạnh thành phố Phú Quốc được thành lập - thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và quân, dân Phú Quốc. Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Phú Quốc nỗ lực quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép," vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thành phố Phú Quốc tập trung phát triển theo quy hoạch, phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có năng lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc; phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực.
Thành phố Phú Quốc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng của địa phương. Phú Quốc phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, xanh-sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Quy hoạch ổn định diện tích cây hồ tiêu khoảng 400ha, xây dựng thương hiệu gắn với đa dạng sản phẩm nâng giá trị hạt tiêu. Các loại cây ăn trái, rau màu, hoa, cây kiểng… gắn với mô hình du lịch đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên đảo và khách du lịch. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái...
[Du lịch Phú Quốc: Điểm đến của nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao]
Phú Quốc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững. Thành phố đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản gắn với phát triển du lịch biển, chú trọng đầu tư nuôi những loài có giá trị kinh tế cao như: ngọc trai, ốc hương, nuôi cá lồng bè trên biển ứng dụng công nghệ cao...; phấn đấu giữ vững chỉ tiêu sản xuất nước mắm Phú Quốc truyền thống 12 triệu lít trở lên.
Đối với phát triển du lịch, thành phố Phú Quốc đẩy mạnh truyền thông, hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức thích hợp để nâng cao hình ảnh du lịch Phú Quốc, quảng bá các sản phẩm truyền thống độc đáo và hấp dẫn riêng có của thành phố biển đảo này.
Cùng với đó, thành phố tăng cường quản lý các hoạt động du lịch, gắn với phát huy và bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; giới thiệu lịch sử anh hùng và văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường nhấn mạnh Phú Quốc tập trung, nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các giải pháp để giảm thiểu tối đa, bù đắp giảm sút kinh tế, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cao nhất trong năm 2021.
Thành phố chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch COVID-19; phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Phú Quốc, đảm bảo nâng cao và ổn định sinh kế cho người dân Phú Quốc.
Song song với phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Phú Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường, biến đổi khí hậu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.
Phú Quốc tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Vì môi trường Phú Quốc xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh” và “Ngày vì môi trường Phú Quốc” phát triển phong trào này trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục gắn chặt với mục tiêu phát triển của thành phố Phú Quốc.
Thành phố Phú Quốc tập trung xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng, khoáng sản trên đảo gắn với việc tăng cường lãnh đạo quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép.
Năm 2020, Phú Quốc đối mặt với không ít khó khăn do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội của địa phương, dẫn đến nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch. Đặc biệt, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn, bất lợi đến ngành dịch vụ-du lịch vốn là thế mạnh của đảo ngọc này. Nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh về môi trường, khai thác tài nguyên-khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, xây dựng không phép, trái phép... Đây là những thách thức không nhỏ đối với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Phú Quốc.
Tuy nhiên, thành phố đã triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống xã hội.
Cụ thể một số lĩnh vực kinh tế như: giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng hơn 15.235 tỷ đồng, đạt 65,24% kế hoạch; sản xuất ngành thủy sản hơn 4.200 tỷ đồng, vượt 1,35% kế hoạch, tăng 3,8% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước 5.398 tỷ đồng, đạt trên 121% dự toán, tăng 1,85% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 76,88% kế hoạch…/.