Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cấp ủy chính quyền địa phương cần nhận thức rõ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải bắt đầu từ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phát biểu chiều 25/12, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu của Nghị quyết có tầm ý nghĩa chiến lược này.
Lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mục đích cao nhất của Nghị quyết là tăng cường nhận thức một cách sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân về vai trò của công cuộc xây dựng nông thôn, vai trò của nông dân trong tiến trình phát triển của đất nước và không ngừng nâng cao đời sống người nông dân.
Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
Đánh giá cao thành tựu chung của cả nước trong triển khai Nghị quyết của Trung ương, góp phần làm chuyển biến quan trọng bộ mặt nông thôn, nâng cao một bước đời sống người nông dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cấp ủy chính quyền địa phương cần nhận thức rõ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải bắt đầu từ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chỉ rõ, phát triển nông nghiệp nông dân, nông thôn phải dựa trên vai trò chủ thể của người nông dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của trung ương về tam nông, cần chủ động khai thác tốt tiềm năng tài nguyên, thế mạnh, nguồn nhân lực và đặc thù của địa phương; đi đôi với làm tốt việc xây dựng thương hiệu, không ngừng mở rộng thị trường. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ; phải tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn không chỉ là nhiệm vụ của riêng người nông dân hay riêng cơ quan Nhà nước mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó, có vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần vận dụng Nghị quyết một cách linh hoạt, sáng tạo tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, vị trí, đặc thù của mỗi địa phương, vùng miền để có kết quả cao nhất.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các địa phương làm tốt hơn nữa khâu quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới sao cho quy hoạch nông nghiệp gắn liền được với quy hoạch các ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ; gắn với quy hoạch ngành; quy hoạch giao thông và nhất là bám sát quy hoạch sử dụng đất.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mong muốn các địa phương tập trung đổi mới mô hình tổ chức sản xuất; không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phù hợp với mục đích cao nhất của Nghị quyết là không ngừng nâng cao đời sống người nông dân.
Tiếp tục phiên làm việc buổi sáng, trong phiên làm việc buổi chiều của Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các đại biểu đã thảo luận xung quanh những bài học kinh nghiệm trong phát triển nền kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân ở các địa phương.
Chia sẻ những thành tựu ban đầu sau 5 năm triển khai Nghị quyết 26/NQ-TW, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu bật những tồn tại, khó khăn từ chính sách đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đề nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cảnh báo việc huy động vốn đầu tư xã hội trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đang có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Việc thu hút khối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn chuyển biến chậm. Nhìn chung nền sản xuất nông nghiệp còn ở trong tình trạng bị động, sức cạnh tranh thấp.
Dẫn chứng nhiều địa phương, diện tích trồng lúa, chuyên canh lúa hiệu quả thấp, đời sống người trồng lúa còn nhiều khó khăn, ông Cường nhấn mạnh, đáng lo ngại, tình trạng nhiều nơi, người nông dân bỏ ruộng, dời bỏ sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng.
Lực lượng sản xuất nông nghiệp chủ yếu là người trung, cao tuổi và trẻ em, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chương trình phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thời gian qua, công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn chưa đạt yêu cầu đề ra: Công nghệ nhân và sản xuất giống thấp; công nghệ nuôi trồng thủy sản đơn điệu; công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch còn bỏ ngỏ, chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ sở hạ tầng thủy lợi có khá hơn những vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp đầu vào còn kém, vẫn diễn ra tình trạng làm giả thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Cường cũng cho rằng, hiện có quá nhiều cấp trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Giá trị gia tăng hiện chủ yếu thuộc về cấp trung gian, người sản xuất thụ hưởng thấp.
Một số ý kiến tại hội nghị kiến nghị Trung ương sớm có biện pháp mạnh mẽ toàn diện hơn nữa để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng khả thi, bền vững hơn; khắc phục tình trạng phân tán trong sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, Trung ương cần đổi mới chính sách tín dụng để thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Nhà nước cần mở rộng ưu đãi để tăng cường thu hút lực lượng nhân lực chất lượng cao, cán bộ khoa học kỹ thuật đến với nông thôn.
Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương cần có chỉ đạo các địa phương quản lý tốt diện tích đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài cho đất nước./.