Phát triển sơn phản xạ nhiệt nano chống nóng cho các công trình ngoài trời

Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các sản phẩm sơn chống nóng hiện có trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ứng dụng thử nghiệm sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời trên cơ sở nhựa acrylic nhũ tương chống nóng một phần mái của trường Pháp Alexandre Yersin tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. (Nguồn: CESTI)

Một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano giúp chống nóng cho các công trình xây dựng ngoài trời, các bồn, bể chứa xăng dầu.

Theo Phó Giáo sư Lê Trọng Lư, đại điện nhóm nghiên cứu, Việt Nam có tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm cao (khoảng 120 kcal/cm2/năm); gây ra hiệu ứng đảo nhiệt nóng bức ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng tiêu thụ, làm cho tình trạng thiếu điện càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngành xăng dầu thường chịu thiệt hại lớn do sự thất thoát do bay hơi. Nhóm các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời nhằm áp dụng chống nóng cho các bồn, bể chứa xăng dầu.

Phó Giáo sư Lê Trọng Lư cho biết hiện sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano đã được ứng dụng cho bồn bể xăng dầu (loại 5.000m3) có diện tích 1.400m2 tại Công ty Cổ phần Dầu khí Cái Lân, Quảng Ninh; Kho xăng dầu 101-Bộ đội Biên phòng tại Tây Tựu, Nam Từ Liêm, Hà Nội; Xí nghiệp Xăng dầu Petec Hòa Hiệp, Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, sản phẩm được ứng dụng thử nghiệm hệ sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời trên cơ sở nhựa acrylic nhũ tương chống nóng một phần mái của Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Đặc biệt, các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã được phía Công ty SuzukaFine (một trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675.

Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các sản phẩm sơn chống nóng hiện có trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giới thiệu về sản phẩm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, giáo sư, tiến sỹ Trần Đại Lâm cho hay ứng dụng sơn phản xạ nhiệt nano thích hợp cho bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu, hóa chất lỏng dễ bay hơi, là một giải pháp hiệu quả với chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; giúp tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát, chống thất thoát nhiên liệu, hóa chất dễ bay hơi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư Lê Trọng Lư cho biết tiếp thu và kế thừa những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới nói chung và của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới nói riêng, công nghệ sơn phản xạ nhiệt nano tại Viện đã được phát triển, liên tục được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Nhóm nghiên cứu tập trung vào 2 nhóm tiêu chí chính là hiệu quả phản xạ nhiệt và độ bền thời tiết.

Lớp phủ phản xạ nhiệt nano hoạt động theo nguyên lý phản xạ khuếch tán. Các vật liệu phản xạ khuếch tán cao thường là các kim loại tinh khiết như: nhôm (Al), bạc (Ag) và đồng (Cu); bột Silicon và các hạt cầu trung gian được phủ kim loại…

Do vậy, khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano, nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm tới 10-19 độ C và nhiệt độ trong bể khoảng 8-15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Độ bền thời tiết của sơn nano cao hơn 1.500 giờ thử nghiệm gia tốc thời tiết (đánh giá độ bền của vật liệu dưới điều kiện phá hủy thời tiết, thông qua mô phỏng điều kiện thời tiết như: tia cực tím, mưa, ozon).

Hiện Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano và ứng dụng trong chế tạo sơn phản xạ nhiệt nano hiệu quả cao.

Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano do Viện chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn; được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục