Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện việc đầu tư, xây dựng và thiết kế nhiều tuyến, tour du lịch đường sông mới để phát triển loại hình du lịch đường sông
Tuyến buýt đường sông số 1. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Sản phẩm du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều thuận lợi để khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch thành phố. Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện việc đầu tư, xây dựng và thiết kế nhiều tuyến, tour du lịch đường sông mới.

Song hiện nay loại hình du lịch này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như góp phần phát triển du lịch thành phố. Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu tham dự hội thảo về phát triển sản phẩm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh, do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Văn hóa thành phố tổ chức, ngày 5/7.

[TP. HCM đầu tư nhiều tuyến đường thủy gắn với phát triển du lịch]

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Tấn Dũng, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết Công ty có 3 đơn vị khai thác vận tải du lịch thủy, gồm Bình Quới, Vàm Sát, Công ty du lịch Saigontourist.

Hiện Công ty đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch tàu biển-loại hình đơn vị này đang có thế mạnh. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong khai thác và thu hút du khách.

Theo ông Dũng, để khắc phục khó khăn, cần triển khai đồng bộ đề án phát triển du lịch đường sông, có sự tham gia của tất cả các quận, huyện. Trong đó, nhấn mạnh đến quy hoạch chi tiết các nhà chờ, bến đỗ, cơ sở hạ tầng, cùng với phương tiện di chuyển đường sông phục vụ nhu cầu của du khách.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục duy trì 800 m cầu tàu ở Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội phục vụ khách du lịch các tàu nhà hàng; khai thông ách tắc về luồng lạch, làm mới bến tàu ở phố Hải Thượng Lãn Ông, phố Đông y, kết hợp giao thông đường bộ với giao thông đường thủy.

Mặt khác, ngành Du lịch thành phố kết hợp với các tỉnh giáp ranh để tạo sản phẩm du lịch tầm trung từ Thành phố Hồ Chí Minh đi dọc sông Sài Gòn-Đồng Nai, Mekong.

Đồng quan điểm, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cho giao thông vận tải đường sông còn khá khiêm tốn.

Sự kết nối chủ động của các đơn vị, công ty du lịch, địa phương, sở, ngành hầu như chưa đồng bộ. Nhiều cuộc hội thảo đề cập vấn đề này đã được tổ chức, tuy nhiên vẫn rất cần sự phối hợp, giải quyết hạn chế một cách quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành Du lịch thành phố. Việc chưa có quy hoạch cụ thể ngành cũng dẫn đến khó khăn trong định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Phân tích về giao thông đường thủy tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Quốc Huy, chuyên viên Phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện thành phố có 70 bến đang vận tải chuyên biệt cho khách du lịch nhưng phần lớn chưa đảm bảo yêu cầu và sự an toàn cho du khách.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp đi sâu để phát triển du lịch đường thủy, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp các tuyến đường thủy chính, thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn; thay thế các cây cầu không còn đảm bảo yếu tố kỹ thuật.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải sẽ sớm quy hoạch lại cụm cảng Sài Gòn-Khánh Hội thành khu cảng đón cả tàu khách nội địa lẫn quốc tế.

Dịp này Ban tổ chức hội thảo còn nhận được hơn 30 tham luận của các đại biểu gửi tới nhằm phân tích, đánh giá sâu về thực tế hoạt động du lịch đường sông và định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm du lịch này.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đề xuất tại hội thảo sẽ được tổng hợp để gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải trình trước Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục