Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi

Trung Đông-châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó tiềm năng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực này còn rất lớn.
Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết giữa kỳ việc thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi 5 năm qua; từ đó đề xuất các ưu tiên hợp tác, biện pháp, cách làm mới nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với khu vực từ nay tới năm 2025.

Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của 200 đại biểu của trên 20 bộ, ban, ngành, gần 50 tỉnh thành và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 100 điểm cầu.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề cao ý nghĩa quan trọng của hội nghị nhằm góp phần mở ra cơ hội, động lực mới để nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi, nhất là trong bối cảnh các biến thể mới COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam và khu vực.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với khu vực Trung Đông-châu Phi; nhấn mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi trong 5 năm qua ngày càng phát triển.

[Tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi rất lớn]

Hợp tác chính trị, đối ngoại đã tạo nền tảng vững chắc góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt về kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học… giữa Việt Nam và khu vực có những bước tiến tích cực.

Các đại biểu nhấn mạnh Trung Đông-châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó tiềm năng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực còn rất lớn.

Việt Nam có quan hệ hữu nghị và ngoại giao tốt đẹp với tất cả các nước khu vực, luôn được các nước đánh giá cao. Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế được nhiều nước khu vực tin tưởng, coi trọng và muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiều nước khu vực đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, coi trọng quan hệ với Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn trong nghiên cứu, mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông-châu Phi để tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ.

Các đại biểu đều đánh giá hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi không ngừng được mở rộng và phát triển trong 5 năm qua, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay có tác động mạnh tới hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và khu vực.

Hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực đạt nhiều tiến triển tích cực với kim ngạch thương mại song phương tăng gần 1,4 lần trong 5 năm qua. Hoạt động đầu tư diễn ra khá sôi động ở cả hai chiều, cả về đầu tư trực tiếp/gián tiếp. Nhiều quỹ phát triển của khu vực, chủ yếu tại vùng Vịnh, đã cung cấp ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo tại các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân đang được mở rộng thông qua những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước, triển lãm ảnh, sách giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam… Hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các phái bộ Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Nhiều chuyên gia, người lao động Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của các nước khu vực...

Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, ngoại giao y tế trở thành điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực. Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho nhiều bạn bè truyền thống khu vực. Nhiều nước Trung Đông đã hỗ trợ Việt Nam vaccine và nhiều trang thiết bị y tế.

Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai bên, nhất là về thương mại, đầu tư, công nghệ, du lịch..., chủ yếu là do khoảng cách xa xôi về địa lý; tình hình bất ổn chính trị nội bộ một số nước khu vực; các thông tin về khu vực, các khuôn khổ, chính sách cho hợp tác còn thiếu hoặc chưa theo kịp yêu cầu phát triển; việc khai mở các lĩnh vực, thị trường mới như các sản phẩm và dịch vụ theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal còn hạn chế.

Đại dịch COVID-19 đã làm cho nhiều hoạt động giao lưu bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy… Cùng với đó, mức độ quan tâm của một số địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đến khu vực chưa như kỳ vọng đã tạo nên rào cản cho việc thúc đẩy hợp tác.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh thời gian tới, với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành trong hỗ trợ và đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp nhằm đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất và toàn diện trong quan hệ Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi, góp phần huy động tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển đất nước bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục