Phát triển Phú Quốc theo mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc, đã có những chia sẻ về việc thành lập thành phố Phú Quốc - một thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Du khách tắm biển ở Bãi Dài, xã Gành Dầu, thành phố đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dự kiến ngày 8/1/2021, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhân sự kiện đặc biệt này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc, về việc thành lập thành phố Phú Quốc - một thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Ông có thể cho biết để trở thành thành phố, Phú Quốc sẽ tập trung phát triển như thế nào? Lộ trình và những khâu đột phá để phát triển thành phố Phú Quốc xứng tầm hơn?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, có 9 đơn vị hành chính cấp xã, với 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã gồm: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa ương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Phú Quốc sẽ tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh trở thành phường trực thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong thời gian tới.

[Phát triển thành phố biển đảo Phú Quốc: Du lịch là ngành chủ lực]

Thành phố nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, dự báo phù hợp với định hướng của Trung ương và tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế-xã hội Phú Quốc theo hướng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Trước mắt, thành phố Phú Quốc hoàn thành quy hoạch chi tiết khu đô thị tỷ lệ 1/500 các khu đô thị Dương Đông, An Thới, gắn với chương trình phát triển đô thị.

Thành phố tập trung thực hiện các quy hoạch, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành phù hợp với quyết định số 633/QĐ-TTg và quyết định 868/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển Phú Quốc, tổ chức quản lý quy hoạch và đầu tư theo quy hoạch.

Giai đoạn 2021-2025, Phú Quốc tập trung xây dựng thành phố sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại I. Thành phố phát triển đô thị gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát chất lượng môi trường và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị; xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Tiếp đến, giai đoạn 2026-2030, duy trì và phát triển thành phố Phú Quốc trở thành trung tâm tổng hợp cấp vùng.

Thành phố Phú Quốc thực hiện các khâu đột phá: xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm, tầm; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc.

Thành phố đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, các khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân; từng bước hướng đến xây dựng thành phố Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.

- Đâu là những vấn đề trọng tâm, cốt lõi tập trung đầu tư phát triển thành phố Phú Quốc, thưa ông?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Thành phố Phú Quốc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững theo mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, hình thành các trung tâm tài chính, dịch vụ mua sắm quy mô lớn đủ sức cạnh tranh, điều chỉnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng một cách phù hợp, có phân khúc thị trường hợp lý, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt có sự cạnh tranh và tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng khác biệt riêng có của Phú Quốc.

Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển thành phố thông minh Phú Quốc, tập trung hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền để khắc phục hạn chế, yếu kém bằng các giải pháp hỗ trợ thông minh cho các lĩnh vực như: Quản lý quy hoạch, đất đai, rừng, đô thị, rác thải, nước thải và môi trường, giao thông…

Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển trên địa bàn thành phố.

Phú Quốc tập trung phát triển du lịch, thương mại và các ngành dịch vụ; đẩy mạnh đưa du lịch phát triển chiều sâu, chất lượng cao, bền vững, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo riêng của Phú Quốc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đảm bảo quốc phòng-an ninh; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...

Thành phố kiến nghị mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế phù hợp, phát triển phương tiện giao thông công cộng nội đảo; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Phú Quốc.

Thành phố đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, y tế, giải trí, phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại hoạt động ban đêm... để phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thành phố tạo điều kiện triển khai dự án khu phi thuế quan, kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại các trung tâm thương mại Dương Đông, An Thới... hệ thống siêu thị và các chợ xã; nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa thương hiệu Phú Quốc như: Nước mắm, hồ tiêu, rượu sim, xây dựng thêm những sản phẩm hàng hóa khác.

Thành phố Phú Quốc tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm lo phát triển văn hóa, con người và đảm bảo an sinh xã hội.

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Phú Quốc phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 201.000 tấn/năm; chế biến nước mắm 12 triệu lít/năm; sản lượng hồ tiêu 500 tấn/năm; thu ngân sách tăng bình quân 11,7%/năm; khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt người, tăng 15%/năm, trong đó khách nước ngoài 4 triệu lượt người; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%...

- Ông có thể cho biết những giải pháp tích cực của thành phố Phú Quốc trong thực hiện những vấn đề cốt lõi nêu trên?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Thành phố tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc; phát huy sự đoàn kết thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện phát triển thành phố Phú Quốc.

Phú Quốc triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực để phát triển thành phố biển đảo xứng tầm hơn trong thời gian tới. Cụ thể là tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy chính quyền đủ sức, đủ lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển thành phố Phú Quốc; xây dựng cơ chế đặc thù, đặc biệt riêng cho Phú Quốc, nhất là mô hình quản lý, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực… Thành phố Phú Quốc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Phú quốc là điểm đến an toàn, thân thiện.

Bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch Phú Quốc, thành phố tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, xanh-sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; vận dụng tốt, linh hoạt các cơ chế, chính sách, các hình thức huy động để đầu tư hệ thống giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư-tái định cư, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa…

Trên lộ trình phát triển, thành phố tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục và y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, loại hình du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Phú Quốc triển khai các dự án, mô hình đảm bảo ổn định sinh kế cho người dân, nâng cao trình độ dân trí, nhất là đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường và cộng đồng, xây dựng tiêu chí để quản lý và nâng lên chất lượng dân số sinh sống ổn định tại Phú Quốc.

Thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc trong quá trình đầu tư phát triển như: Đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết nhà ở, việc làm, chăm lo gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố biển đảo; tăng cường công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược xây dựng, phát triển thành phố Phú Quốc.

Thành phố Phú Quốc xây dựng chiến lược giữ vững chủ quyền biên giới biển đảo, phát triển kinh tế gắn chặt với đảm bảo an ninh-quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam, chú trọng công tác đối ngoại ở các vùng giáp biên…

Trong số đó, phát huy sức mạnh nguồn lực toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội Phú Quốc an toàn và thân thiện.

- Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục