Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có vấn đề phát triển nhóm nghiên cứu mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh như thế nào để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong các nhà trường là một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo khoa học Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 25/4, tại Hà Nội.

Chuyển biến đột phá về chất lượng nghiên cứu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu của các trường đại học đã có những bước tiến mạnh mẽ. Số công bố quốc tế của các trường đại học thuộc bộ tăng 26%, và tăng cao hơn ở các trường đại học tự chủ.

“Các trường có kết quả nghiên cứu tốt chủ yếu do hình thành được các nhóm nghiên cứu, nhưng là sự hình thành tự phát, chưa có cơ chế chính sách cho vấn đề này. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế nhóm nghiên cứu mạnh có ý nghĩa rất lớn, như tổ bám của các hoạt động nghiên cứu trong nhà trường,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện trong hệ thống các trường đại học đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu, gần gấp đôi so với con số 491 nhóm trong năm học 2016-2017.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nhóm nghiên cứu thì số lượng công bố quốc tế của Việt Nam cũng có những chuyển biến đột phá về chất lượng. Năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả nước hết sức khiêm tốn, chỉ trên 2.300 bài, gồm cả công bố của các viện nghiên cứu và các trường đại học. Nếu tính trong năm năm, từ 2011 đến 2015, Việt Nam mới có trên 10.000 bài.

Tuy nhiên, theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập thuộc Đại học Duy Tân, tính từ năm 2017 đến tháng 6/2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam đã là trên 10.500 bài, vượt cả con số bài công bố quốc tế của cả nước trong 5 năm cộng lại trước đó.

Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học ảnh 1Số lượng công bố quốc tế của cả nước và các trường tăng qua các năm

“Có thể nhận thấy, sự gia tăng các công bố quốc tế tỷ lệ thuận với sự gia tăng các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam,” giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định.

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, các nhà nghiên cứu của Việt Nam là “anh hùng” vì trong khi để có các công bố quốc tế, các nhà nghiên cứu ở các nước trên thế giới đều cần sự đầu tư tài chính mạnh thì ở Việt Nam, nguồn lực cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế. Chúng ta chưa có cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường. Hoặc, ở một số trường có nhưng cũng rất nhỏ, chỉ 20 đến 30 triệu đồng/nhóm nghiên cứu/năm. Thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, nếu có cũng rất thiếu hoặc không đồng bộ.

Vì thế, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng nếu không có cơ chế thì sẽ rất khó để các nhóm nghiên cứu phát triển hơn nữa, đặc biệt là trong việc thu hút và giữ chân người giỏi.

Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học ảnh 2Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần có cơ chế phát triển nhóm nghiên cứu mạnh

Giáo sư Trần Đại Lâm, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc cần phải tiếp tục gia tăng số lượng công bố thì vấn đề nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng công bố cũng đang trở nên cấp thiết.

“Muốn đáp ứng được yêu cầu đó thì phải có những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là những nhà khoa học uy tín, kinh nghiệm, có mạng lưới hợp tác sâu với các nhà khoa học trong nước và quốc tế,” ông Lâm nói.

Theo giáo sư Trần Đại Lâm, nhóm nghiên cứu mạnh là khái niệm không mới trên thế giới nhưng còn rất mới ở Việt Nam. Trên cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất có quy định riêng về nhóm nghiên cứu mạnh. Hiện Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo cơ chế xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu này.

Giáo sư Trần Đại Lâm cho rằng, để có nhóm nghiên cứu mạnh cần đầu tư kinh phí đủ lớn và ổn định cùng cơ chế có tính chất “vượt rào” của cơ quan quản lý với một số dự án lớn, tiềm năng, do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện. Thời gian nghiên cứu của đề tài nghiên cứu nên kéo dài từ 4 đến 5 năm, gấp đôi thời gian thực hiện một đề tài thông thường.

[Khoán sản phẩm để đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học]

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết, dự thảo quy định giới hạn độ tuổi của trưởng nhóm nghiên cứu mạnh là từ 55 tuổi trở xuống đối với nam, từ 50 tuổi trở xuống đối với nữ, để đảm bảo trưởng nhóm có đủ thời gian dẫn dắt nhóm.

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Đình Đức đưa ra quan điểm không nên giới hạn tuổi. Dẫn chứng cụ thể về các nhóm nghiên cứu mạnh tại Đại học Khoa học Tự nhiên, nơi mỗi năm công bố 400 bài báo quốc tế, ông Đức cho biết, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh trẻ nhất cũng đã 60 tuổi. “Nếu quy định giới hạn về độ tuổi thì toàn bộ chim đầu đàn sẽ gãy cánh,” ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo giáo sư Đức, không chỉ mở rộng về độ tuổi trong quy định về trưởng nhóm nghiên cứu mạnh mà quy định về hai thành viên chủ chốt của các nhóm nghiên cứu mạnh cũng phải mở rộng hơn. “Với quy định thành viên chủ chốt phải có hướng dẫn nghiên cứu sinh thì sẽ hạn chế cơ hội của những người trẻ, trong khi rất nhiều trong số họ có năng lực tốt,” giáo sư Nguyễn Đình Đức phân tích.

Là một trưởng nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, xuất phát từ thực tế cơ sở, giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng đặt vấn đề xa hơn là phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trở thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc. “Đây là thực tế chúng ta cần phải tính đến để các nhóm nghiên cứu mạnh có thể tiếp tục thu hút và giữ chân được những người giỏi, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, nếu không thì sẽ không thể duy trì và phát triển được các nhóm này,” ông Đức nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục