Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các địa phương và các tỉnh miền núi xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định nhu cầu đào tạo và xác định phương thức đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực.
Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” là chủ đề Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức ngày 13/9, tại huyện Mộc Châu (Sơn La).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã thảo luận về các chuyên đề như: Tổng quan về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hợp tác xã với việc xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua thảo luận, các đại biểu nhận định, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Do đó, trong quá trình đổi mới, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, những năm qua, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

Tuy nhiên, hiện nay, lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong, kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn.

[Phát triển thương mại miền núi, thu hẹp chênh lệch giữa các vùng miền]

Theo các đại biểu, những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai và tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn hạn chế.

Các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn có những bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực dành cho công tác này còn nhiều hạn chế.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào dân tộc tiểu số, miền núi có ý nghĩa quyết định; là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Việc giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người dân tộc thiểu số... Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc và bố trí đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách dân tộc.

Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 2Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải huy động đa dạng các nguồn lực (đầu từ ngân sách Nhà nước, ngoài ngân sách và từ cộng đồng, người dân). Quản lý phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; trong đó xác định vốn đầu tư công là một nguồn lực đầu tư quan trọng, dẫn dắt để thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vốn đầu tư công cần tâp trung cho các công trình kết cấu hạ tầng và xã hội thiết yếu...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống...

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận những nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các đại biểu về định hướng phát triển và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những chia sẻ thực tế thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong đào tạo khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; phát triển mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gắn với vai trò của hợp tác xã và bài học từ những mô hình thành công cụ thể.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đồng bộ, hiệu quả; xây dựng bộ công cụ đánh giá sự phát triển về kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đánh giá, công bố các chỉ số 5 năm một lần theo nhiệm kỳ của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan khác thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo chức năng nhiệm vụ và theo Nghị quyết số 12 ngày 15/2/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 3Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trao tặng 150 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện hỗ trợ cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các địa phương và các tỉnh miền núi được thụ hưởng chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định nhu cầu đào tạo và xác định phương thức đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực. Các tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp về công tác tại địa phương.

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến những bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao tặng 150 suất quà hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 1 năm với giá trị khoảng 240 triệu đồng; tặng nhà lớp học cho một điểm trường của huyện Sốp Cộp, trị giá của công trình 400 triệu đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục