Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân là chủ đề của Hội thảo quốc tế do trường Đại học Đà Lạt và trường Đại học HanYang (Hàn Quốc), Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia Hàn Quốc, Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc tổ chức, ngày 22/2, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để những nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp phù hợp cho công tác phát triển nguồn nhân lực về năng lượng nguyên tử ở từng quốc gia; thúc đẩy hiểu biết và hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia.
Trường Đại học Đà Lạt là 1 trong 3 trường đại học ở Việt Nam được giao nhiệm vụ đào tạo sâu nguồn nhân lực ở lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đến nay, trường đã tuyển sinh 4 khóa đào tạo với 150 sinh viên, có 35 sinh viên đã được đưa đi đào tạo ở nước ngoài.
Tại hội thảo, Giáo sư Kim Jong Kyung, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc cho rằng: Nhu cầu điện hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển trên phạm vi toàn cầu, ngày càng có nhiều đất nước đang chủ động phát triển chương trình điện hạt nhân.
Theo xu hướng này, chương trình đào tạo nguồn nhân lực bao gồm sự tham gia của nhiều thành phần, cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp để đảm bảo chương trình giáo dục quốc gia, ở cả cấp độ chuyên nghiệp và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp hạt nhân.
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố cơ bản, quyết định sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân của bất cứ quốc gia nào. Xây dựng năng lực là bước khởi đầu quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo chương trình hạt nhân an ninh, an toàn và bền vững.
Giáo sư Kim Jong Kyung nhấn mạnh với kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc và Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam về trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực.
Trong thời gian qua, Trường đại học HanYang, Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc, Tập đoàn thủy điện-điện hạt nhân và các Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều thiết bị, đặc biệt là thiết bị OPR1000 Core Simulator (CoSi) mô phỏng lõi lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, cùng nhiều giảng viên, giáo trình, thiết bị đào tạo về hạt nhân cho trường Đại học Đà Lạt. Những liên kết trong hoạt động này sẽ còn được tiếp tục thực hiện đến năm 2020./.