Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp từ cá mú trân châu

Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (trụ sở tại thành phố Nha Trang) đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá mú trân châu.
Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp từ cá mú trân châu ảnh 1Người dân đã chọn cá mú trân châu là đối tượng nuôi chính. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Cá mú trân châu được phát triển vùng nuôi thương phẩm tại các địa phương ven biển của Khánh Hòa. Đây cũng được xem là giống thủy sản thích hợp cho phát triển nghề nuôi biển công nghiệp của các tỉnh ven biển, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân ở vùng nuôi trồng thủy sản.

Trong 28 tỉnh, thành phố có biển, Khánh Hòa có điều kiện về môi trường, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nuôi biển. Đây cũng là một trong các tỉnh hiện đang dẫn đầu cả nước về nuôi biển. Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi chưa từng có về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Điều này sẽ tạo bước đột phá lớn trong phát triển nuôi biển xa bờ, hiện đại, giúp nuôi biển Khánh Hòa sẽ là hình mẫu, dẫn dắt ngành nuôi biển của cả nước.

Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (trụ sở tại thành phố Nha Trang) đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá mú trân châu.

Theo đó, chỉ tính riêng khu vực Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung, hiện cá mú trân châu thả nuôi đã chiếm từ 60-70% so với các giống cá mú khác. Còn so với các loại cá biển khác, cá mú trân châu cũng đã chiếm khoảng 40%.

Đánh giá tiềm năng nuôi biển ở thành phố Cam Ranh, ông Huỳnh Văn Hưng - Phó phòng Kinh tế thành phố Cam Ranh cho biết, những năm gần đây, địa phương phát triển nuôi biển và nuôi ao, hồ ở những vùng ven biển. Người dân đã chọn cá mú trân châu là đối tượng nuôi chính.

Tổng diện tích nuôi cá mú của thành phố Cam Ranh hiện nay khoảng 176 ha và 1.000 lồng bè nuôi cá mú. Hiện nay, cá mú được nuôi quanh năm, ưu điểm là cho thu hoạch thường xuyên khi cá này đủ kích thước 1,2 kg/con.

Ông Huỳnh Văn Hưng cho rằng đây là đối tượng nuôi ổn định, ít dịch bệnh, thị trường ưa chuộng đã đem lại thu nhập cao cho người nuôi. Do nhiều nguyên nhân dẫn đến thu hẹp diện tích nuôi nhưng cá mú trân châu vẫn là một trong những đối tượng nuôi được nông dân chú trọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

[Ứng dụng mô hình nuôi cá bớp trên biển đầu tiên tại Quảng Bình]

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, trong khoảng 3 năm trở lại đây diện tích nuôi cá mú trân châu trên địa bàn không ngừng mở rộng trên diện tích cũ, đã từng nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá hồng, cá chẽm, cá mú đen…

Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp từ cá mú trân châu ảnh 2Hiện nay cá được thu mua với giá từ 220.000 – 270.000 đồng/kg, với giá này người nuôi thu nhập ổn định. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Bà Hương chia sẻ thêm rằng, đến nay, tổng diện tích nuôi nuôi trồng thủy sản ao hồ trên địa bàn xã là 340ha, trong đó có 120 ha diện tích cá mú. Ngoài ra, nhiều diện tích nuôi ốc hương, người dân cũng chuyển sang hình thức nuôi luân canh với cá mú trân châu vài vụ rồi quay lại với ốc hương.

Ông Nguyễn Văn Sơn, một người nuôi trồng thủy sản ở thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông cho biết, hiện nay đa số bà con trên địa bàn đều nuôi cá mú trân châu thay cá mú đen. Bởi cá mú này nuôi nhanh lớn, thời gian nuôi đến khi thu hoạch từ 10-12 tháng, trong khi cá mú đen phải trên 15 tháng.

Điều phấn khởi là đầu ra cá mú trân châu khá ổn định, ngoài xuất sang thị trường Trung Quốc còn tiêu thụ tại nội địa phục vụ khách du lịch ở các quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Giá cá thương phẩm được thu mua với mức trung bình khoảng 200 ngàn đồng/kg, tăng hơn 10 nghìn đồng/kg so với cá mú đen.

Hiện nay, cá được thu mua với giá từ 220.000 – 270.000 đồng/kg, với giá này người nuôi thu nhập ổn định. Bởi theo ông Nguyễn Văn Sơn, chi phí đầu tư nuôi cho 1kg cá mú trân châu chỉ tốn từ 140-150 nghìn đồng/kg. Như gia đình ông Sơn mới đây thu hoạch trên 2 tấn cá này, bán với giá trên, sau khi trừ chi phí lãi 240 triệu đồng, rất phấn khởi.

Được biết, hiện nay mỗi năm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III sản xuất cá mú trân châu giống khoảng 500.000 – 700.000 nghìn con để đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi trong nước. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và tập huấn cho nhiều bà con trên địa bàn  thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa.

Đặc biệt, cá mú trân châu được sinh ra bởi sự lai tạo giữa cá mú nghệ (con đực) và cá mú cọp (con cái) nên thừa hưởng đặc tính nổi trội của 2 loài cá mú bố mẹ có thịt thơm ngon, màu sắc đẹp, lớn nhanh và khả năng chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường và dịch bệnh.

Theo phòng kinh tế thành phố Cam Ranh, về định hướng phát triển đối với ngành nuôi trồng thủy sản cho biết, địa phương chú trọng phát triển đa dạng hóa các đối tượng như ốc hương, tôm thẻ, cá chẽm. Do định hướng phát triển đô thị Cam Ranh nên một số diện tích nuôi thủy sản sẽ bị thu hẹp diện tích. Trong khi đó, phát triển nuôi biển công nghiệp phải vươn xa khơi từ 3-6 hải lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục