Phát triển ngành du lịch Việt Nam: Cần chọn lọc để bền vững

Việc ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020 đóng góp trên 10% GDP, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự phát triển bền vững vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.
Khách quốc tế khám phá miền sông nước Tiền Giang. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Với tiềm năng đa dạng và phong phú, du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế.

Minh chứng rõ nét là tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2018 đạt gần 20% với gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Việc ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020 đóng góp trên 10% GDP, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự phát triển bền vững vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.

"Thua" cả chất và lượng

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng chỉ rõ, mặc dù đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Minh chứng rõ nét là dù đã có sự tăng trưởng gần 20% trong năm 2018 với gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam nhưng con số này vẫn thua xa nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia với số lượt khách quốc tế lần lượt là 38 triệu, 25 triệu, 18,5 triệu và 15,8 triệu.

Không chỉ thua về số lượng khách quốc tế, mức chi trả bình quân của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với mức chi trả của khách du lịch đến Thái Lan hay Singapore.

Thực tế là với các loại hình có khả năng chi tiêu cao như golf hay du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng của các doanh nghiệp cho nhân viên, đối tác (du lịch MICE) thì Việt Nam cũng chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao đang có xu hướng giảm dần từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, khách du lịch từ Bắc Mỹ đến Việt Nam giảm từ 7,6% xuống còn 5,8%; khách du lịch châu Âu giảm từ 14,6% xuống còn 13,1%.

Ngoài ra, chất lượng của ngành du lịch Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề khi mà tỷ lệ khách quay lại Việt Nam chỉ từ 10-40% trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 80%, theo số liệu của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đại diện Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam, hiện doanh nghiệp của ông không dám đưa khách đến Sapa hay Hạ Long nữa vì quá đông.

Mặc dù, các điểm du lịch của Việt Nam hấp dẫn, có vị trí tuyệt vời, nhưng đang bị khai thác quá mức khiến du khách không thực sự hài lòng, có ấn tượng không đẹp và không muốn quay trở lại.

Vì vậy, vấn đề mấu chốt là thay đổi chiến lược phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng dựa vào chất lượng, thay vì số lượng để gia tăng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP, bảo vệ môi trường, từ đó giúp ngành du lịch phát triển bền vững, đại diện Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam nhấn mạnh.

Tháo gỡ các “nút thắt”

Những lực cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam là chủ đề làm “nóng” Hội thảo chuyên đề “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 vừa diễn ra đầu tháng 5 này.

[Du lịch Việt Nam: 'Bài toán' về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao]

Chỉ ra nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa thể thu hút mạnh mẽ khách du lịch, nhất là đối tượng khách có khả năng chi trả cao, nhiều doanh nghiệp du lịch đã khẳng định “nút thắt” visa vẫn chưa được tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Vietrantour, cho biết đối với hình thức cấp thị thực tại cửa khẩu, thực chất khách đến Việt Nam nhận thị thực tại cửa khẩu nhưng trước đó họ vẫn phải làm thủ tục trước và cầm công văn đến cửa khẩu.

Trong khi đó, Thái Lan đang cấp thị thực tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú, khách quốc tế có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu Thái Lan mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó, bà Huyền nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tập trung gia tăng miễn thị thực nhiều nước hơn nữa, trước mắt việc mở rộng visa, kéo dài từ 15 thành 30 ngày cho một số khách du lịch đến từ các nước phát triển như Australia, New Zealand, Hà Lan sẽ giúp du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, chi trả nhiều hơn, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết.

Cùng với nút thắt “visa,” một lực cản khác khiến du lịch Việt Nam chưa thể “níu chân” được khách quốc tế ở lại dài ngày và chi tiêu nhiều hơn hay đến rồi quay trở lại chính là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, độc đáo.

Hiện ngành du lịch vẫn loay hoay trong việc định vị Việt Nam là điểm đến văn hóa hay điểm đến du lịch biển. Thực tế cho thấy từ trước tới nay, chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hoá, nếu vậy khách chỉ đến một lần.

Du khách quốc tế tại Khu du lịch Bãi Trường Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, nếu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch biển, khách sẽ trở lại để thử những trải nghiệm mới và Việt Nam cần tạo điều kiện cho du khách trở lại thuận lợi hơn, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Sang Trọng chỉ rõ.

Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist, cũng cho biết các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí?

Việt Nam dường như cũng chưa có được những sản phẩm thương mại quốc gia giống như Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có cigar.

Thêm vào đó, việc quản lý du lịch dù đã được cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều du khách quốc tế mất thiện cảm.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel chia sẻ khách của Công ty vẫn thường bị "chặt chém," hàng rong lừa đảo.

Mỗi khi có sự việc xảy ra, Tổng cục Du lịch lại phải đi xin lỗi và đây chỉ là giải pháp tình thế mang tính vụ việc, không phải là giải pháp căn cơ để chấm dứt vấn nạn này.

Đặc biệt, với mục tiêu thu hút khách du lịch chất lượng cao thì nguồn nhân lực du lịch cũng là một "nút thắt" quan trọng cần tháo gỡ.

Minh chứng cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh có lượng khách quốc tế chiếm tới 70% số lượng khách của cả nước nhưng nhân lực ngành du lịch qua đào tạo của Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu (số liệu từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018).

Hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu, điểm đến không thể thiếu với du khách quốc tế mỗi khi đặt chân đến thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp lữ hành hiện cũng yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ.

Theo Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, các công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng.

Trong khi đó, công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành. Hiện chỉ có 8/500 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài liên quan đến du lịch.

Chính vì vậy, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam chỉ đạt gần 3.500 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore, ông Kỳ chỉ rõ.

Sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn?

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn, mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Theo đó, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút từ 17-20 triệu khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP với tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, các doanh nghiệp du lịch và các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 đã gửi bản hiến kế với các đề xuất cụ thể tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết đề xuất đầu tiên chính là Việt Nam cần cởi mở chính sách thị thực.

Trong năm 2019, nếu Chính phủ mở visa cho ít nhất 3 nước đã có trong danh sách các nước đã có lộ trình mở visa tại Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh thì khu vực tư nhân cam kết thúc đẩy tăng trưởng lượng du khách từ các nước này lên từ 10-20%.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích kết nối giữa các trường và doanh nghiệp du lịch bằng việc cho phép thành lập mô hình trường trong doanh nghiệp để phát triển nhân lực ngành du lịch.

Đề xuất thứ ba là Chính phủ cần khuyến khích mọi doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch xanh nhằm bảo vệ môi trường. Đây cần là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động quản lý điểm đến du lịch.

Đồng thời, Chính phủ và ngành du lịch cần ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa Việt Nam cũng như thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch trong bảo vệ môi trường.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. (Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt, việc nâng cấp hạ tầng hàng không và “mở cửa bầu trời” cũng là giải pháp cần thực hiện để tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến từ các nước phát triển, có khả năng chi trả cao.

Tính đến tháng 3/2019, cả nước có 22 cảng hàng không; trong đó có 9 cảng quốc tế, nhưng với lượng khách đến Việt Nam bằng máy bay tăng 20,5%/năm nên nhiều sân bay đang quá tải khi vượt quá công suất thiết kế.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cần tạo điều kiện cấp phép cho các hãng hàng không mới và triệt để cải cách việc trùng lắp về quy trình thủ tục trong khâu xin chủ trương đầu tư dự án với việc xin cấp phép hàng không.

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình sân bay Vân Đồn cùng với việc mở rộng và xây mới các sân bay khác trên cơ sở huy động nguồn lực từ tư nhân không chỉ giúp nhà nước giảm bớt gánh nặng đầu tư mà còn giúp nhanh chóng nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam.

Ngoài ra, quỹ phát triển du lịch theo mô hình hiện tại đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực tư nhân, đặc biệt trong quảng bá và xúc tiến du lịch quốc gia, các doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm tận dụng tốt hơn nữa các nguồn lực từ tư nhân.

Theo đó, việc cho phép mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch quốc gia tại các nước bằng nguồn lực tư nhân sẽ là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng và hiệu quả quảng bá du lịch, ông Bình cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục