Việc phát triển Xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thực hiện mục tiêu Net zero cũng như chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam theo hướng Xanh hơn, thì 3 vấn đề đặt ra gồm: Cấu trúc, cơ cấu của ngành năng lượng Việt Nam đằng sau đó là công nghệ; thu hút vốn và giải ngân; cuối cùng là thể chế, cơ chế chính sách… tất cả ngày càng đặt ra cấp bách hơn cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng Xanh.
Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo: “Thúc đẩy phát triển năng lượng Xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện,” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức sáng nay (8/8), tại Hà Nội.
Khó khăn về khung pháp lý
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 202-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng Xanh). Chiến lược tăng trưởng Xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng Xanh, đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), trong đó quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Đích đến của Việt Nam trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh
Tăng trưởng Xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chuyển dịch sang năng lượng Xanh, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng Xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng Xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng dẫn chứng của Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua mới đạt khoảng 30 tỷ USD. Như vậy trong hơn 6 năm còn lại còn cần hơn 100 tỷ USD nữa đầu tư cho ngành điện, là thách thức rất lớn.
Trong khi đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo; thiếu nguồn linh hoạt, chưa tự chủ sản xuất được thiết bị phát điện, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện, thiếu hệ thống lưu trữ năng lượng tin cậy. Các dự án điện LNG cũng gặp nhiều vướng mắc về chính sách khi triển khai thực hiện.
“Chúng ta cũng thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hóa…,” Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Phạm Anh Tuấn nói..
Theo quy hoạch điện 8, tổng quy mô công suất các dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó Nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án); Nhà máy điện khí sử dụng LNG xấp xỉ 22.400 MW (13 dự án).
Báo cáo của Hội Dầu khí Việt Nam cho thấy tính đến tháng 6/2024, đã đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) năm 2015 (đang sử dụng nhiên liệu dầu) và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B; cùng đó đang xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85 % (sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải).
Ngoài ra, trong quá đầu tư xây dựng có 18 dự án, trong đó: 9 dự án sử dụng khí khai thác trong nước, tổng công suất 7.240 MW; 9 dự án sử dụng LNG, tổng công suất là 16.400 MW; 03 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, tổng công suất 4.500 MW. Hiện mới có 01 dự án điện gió ngoài khơi được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ cho phép để khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi giữa PTSC và đối tác Singapore.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, do hành lang pháp lý cho mọi hoạt động, từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư cho đến đàm phán các hợp đồng còn vướng, dẫn tới các quyết định đầu tư chậm ban hành và khó ban hành vì các điều kiện chưa được thỏa mãn.
Vì khó khăn do khung pháp lý chưa xử lý được cho nên sức hút vào các dự án đối với các nhà đầu tư bị chậm lại, nhiều dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm song sau nhiều năm theo đuổi vẫn tiếp tục ở trạng thái khó giải quyết.
Nhấn mạnh về phát triển điện khí LNG, theo ông Nguyễn Quốc Thập quy mô đưa ra rất lớn, tới 22.400 MW và có 13 nhà máy điện để phát điện từ khí LNG, song đến thời điểm hiện nay mới có 2 dự án của PV Power đầu tư là nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất trên 1.600 MW, song bản thân dự án của PV Power hiện còn nhiều khó khăn, đầu ra của các nhà máy điện này vẫn chưa được thống nhất, do liên quan đến bao tiêu, bảo lãnh kể cả chuỗi đằng trước đó là nhập khí LNG.
“Nếu nhập khẩu ngắn hạn rất rủi ro, còn nhập dài hạn thì cần có các cam kết dài hạn, lúc đó giá mới được theo thông lệ thị trường của các nước đang thực hiện. Hơn nữa, khi có được các cam kết dài hạn thì Việt Nam mới có thể đi ký được các hợp đồng để đảm bảo cả chuỗi có thể hình dung ra được quy mô và hình dung ra rủi ro trong tương lai như thế nào,” Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập phân tích thêm.
Rút ngắn mục tiêu cần vươn tới
Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, với tổng vốn đầu tư FDI đạt trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm 2019. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam ước đạt khoảng 38,4 GW, phần lớn đến từ thủy điện và điện Mặt Trời.
Dẫn tính toán của Tổ chức BCG, Tiến sỹ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, đến năm 2050, nhu cầu nội địa cho khí hydro sạch đạt khoảng 25-40 triệu tấn. Trong bối cảnh nội địa hóa hoàn toàn, hệ sinh thái hydro sạch có tiềm năng tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội đáng kể, đóng góp thêm 40-45 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 40.000-50.000 việc làm từ sản xuất, vận chuyển và phân phối hydro sạch.
“Để khai thác triệt để những lợi ích của hydro sạch, Việt Nam phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện dài hạn nhằm phát triển toàn bộ chuỗi giá trị hydro, từ sản xuất đến bước sử dụng cuối cùng,” Tiến sỹ Hà Huy Ngọc khuyến nghị.
Còn theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan đến hydro xanh, như chiến lược tăng trưởng Xanh, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch điện 8…, đặc biệt thế giới cũng đã phát triển lĩnh vực này, đơn cử Trung Quốc đã phát triển hydrogen xanh và xe bus dùng khí gas thay cho dầu mỏ thông thường.
Từ dẫn chứng này, ông Lạng cho rằng để doanh nghiệp có thể triển khai thì việc đầu tiên là phải có chính sách quy định một cách rõ ràng mạch lạc (ví dụ quy định ôtô điện, xe máy điện, thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng…) phải có hệ thống cơ chế chính sách quy định và có chuẩn mực rõ ràng.
Tiếp đến là cần có mô hình rõ ràng, cụ thể xây dựng khoa học để có một quy trình, bởi từ mô hình mới ra được quy trình và từ quy trình mới ra được bước đi, thì doanh nghiệp nhìn một mô hình rõ ràng và một quy trình mạch lạc, chắc chắn áp dụng rõ hơn.
“Chúng ta nên học tập thực tiễn tốt của các nước để nhanh chóng áp dụng tại Việt Nam, thậm chí có cơ chế thử nghiệm ban đầu sau đó áp dụng đại trà, từ đó có thể rút ngắn được mục tiêu cần vươn tới trong tất cả các lĩnh vực nói trên,” tiến sỹ Nguyễn Thường Lạc khuyến nghị./.