Từ ngày 30/6 đến 4/7, Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Mạnh Hùng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến thăm này nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm lập pháp, giám sát về các chính sách trong lĩnh vực xã hội; đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ Nghị viện giữa hai nước thông qua các Ủy ban chuyên môn; đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước phát triển tiến bộ trong nhiều vấn đề xã hội thuộc Nhóm các nước đang phát triển. Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Nguyễn Thế Cường cùng tham dự các hoạt động của Đoàn.
Trong thời gian ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn đã có các buổi làm việc với giáo sư Necdet Unuvar, Chủ tịch UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ; giáo sư Yuksel Ozden, Chủ tịch Ủy ban, Trưởng đoàn Nghị sỹ AIPA (Liên minh Nghị viện châu Á); chào xã giao ông Idris Sahin, nghị sỹ Quốc hội (Đảng cầm quyền AKP), Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam.
Đoàn cũng có buổi làm việc với ông Erhan Batur, Thứ trưởng Bộ lao động và an sinh xã hôi và các Cục, Vụ chuyên môn liên quan; ông Orhan Bilge, Quyền Vụ trưởng Vụ châu Âu và quan hệ quốc tế, Bộ Gia đình và chính sách xã hội và các vụ chuyên môn liên quan; ngoài ra, tại thành phố Istanbul; ông Husein Eren, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và các đơn vị thuộc Tòa thị chính thành phố.
Ông Đỗ Mạnh Hùng đã đánh giá cao bước phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ kỳ trong thời gian qua. Mặc dù là chuyến thăm đầu tiên của Đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ, song Đoàn có cảm nhận: Nhân dân hai nước có tình cảm trân trọng đối với nhau từ lâu trên nền tảng những truyền thống, đặc tính dân tộc quý báu: cần cù, sáng tạo có ý chí kiên cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình làm việc, Đoàn đã đề cập những vấn đề thuộc lĩnh vực quan tâm như nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề xã hội và chính sách, pháp luật có liên quan; đặc biệt đối với những vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều kinh nghiệm và thành công trong thời gian qua; vai trò của các cơ quan Quốc hội đối với các chính sách: bảo trợ xã hội trong đó có chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật; các chính sách lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội; chính sách giảm nghèo; dự kiến các đề xuất hợp tác giữa hai bên và mong muốn đẩy mạnh quan hệ hai nước sau chuyến đi này.
Phía bạn hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn và cho rằng hai nước đã có hơn 36 năm thiết lập quan hệ, song các mặt quan hệ chưa tương xứng với mong muốn của nhân dân hai nước; nhất trí với đề xuất của ông Đỗ Mạnh Hùng.
Tại các bộ hoạch định chính sách xã hội, bạn đã cung cấp cho Đoàn tổng quan về chính sách đối với người già và người khuyết tật trong 12 năm qua (kể từ khi Đảng AKP lên cầm quyền) và thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước tiến quan trọng về chính sách an sinh xã hội và bảo hiểm y tế và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định về an sinh xã hội với 28 quốc gia.
Tại buổi làm việc với hai Ủy ban của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Đỗ Mạnh Hùng đã thông báo cho bạn tình hình căng thẳng ở Biển Đông gần đây do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.
Về vấn đề nghiêm trọng này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ông Volkan Bozkir và mong muốn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ hiểu đúng vấn đề và ủng hộ chính nghĩa.
Tại thành phố Istanbul, Đoàn đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với cộng đồng người Việt Nam và Công ty V&TTravel Plus-công ty đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ; ghi nhận sự trưởng thành của công ty và mong muốn doanh nghiệp sẽ có bước phát triển năng động hơn, giúp cho quá trình thâm nhập sâu rộng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại một thị trường quan trọng của hàng hóa Việt Nam tại khu vực Âu-Á.
Có thể khẳng định: kết quả của chuyến thăm đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu của Đoàn; Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn đẩy quan hệ hai nước lên thêm một bước, tăng cường hợp tác toàn diện hai bên, mong muốn đón tiếp Lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan của Việt Nam đồng thời bày tỏ thái độ chia sẻ về vấn đề Biển Đông./.