Ngày 26/9, Hội nghị các nước sản xuất và tiêu thụ khí thiên nhiên hỏa lỏng (LNG) đã diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và đại diện các công ty năng lượng đến từ 14 nước sản xuất và 12 nước tiêu thụ LNG, trong đó có Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Isshu Sugawara đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước sản xuất và tiêu thụ LNG trong thời gian tới, đồng thời đề cập tới các sáng kiến của Nhật Bản nhằm mở rộng và phát triển thị trường LNG, tập trung vào 3 lĩnh vực gồm hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Sugawara khẳng định cam kết của Nhật Bản đầu tư thêm 10 tỷ USD từ cả khu vực công và tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng về nhu cầu LNG ở cả thượng, trung và hạ nguồn, đồng thời hỗ trợ kết nối các nguồn cung LNG mới với nhu cầu đang tăng trưởng ở châu Á.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Phát triển lĩnh vực LNG là xu hướng tất yếu của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cho phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.”
Theo Bộ trưởng, hiện nay, việc khai thác năng lượng của Việt Nam chủ yếu dựa trên các nguồn tài nguyên truyền thống như thủy điện, than, dầu khí. Tuy nhiên, thủy điện hầu như đã được khai thác hết.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chính sách tăng cường sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cho phát triển kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Việt Nam cần phải nhập khẩu LNG từ năm 2022 và nhu cầu LNG sẽ tăng lên khoảng 5 triệu tấn LNG tới năm 2025, khoảng 10 triệu tấn tới năm 2030, 15 triệu tấn vào năm 2035.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng nói Việt Nam đang phát triển hệ thống kho cảng nhập LNG và các hạng mục liên quan.
Cùng với đó, Việt Nam đang xây dựng và ban hành khung hành lang pháp lý để phát triển ngành LNG Việt Nam, đồng thời xây dựng các dự án ưu tiên trên cơ sở nhu cầu LNG và xúc tiến đầu tư.
[Việt Nam sẽ nhập 15 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng vào năm 2035]
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của LNG trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu, các xu hướng mới trên thị trường LNG, các giải pháp về tiếp cận năng lượng, phát triển nhu cầu LNG ở các nền kinh tế mới nổi, vấn đề môi trường và an ninh năng lượng…
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Sugawara và Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại Thượng viện Hiroshige Seko.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Sugawara, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương rất quan tâm phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện sử dụng LNG và sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể sang nghiên cứu, khảo sát và triển khai đầu tư các dự án LNG tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xúc tiến phát triển các dự án nhiệt điện khí trong tương lai; xây dựng các quy định và chính sách cần thiết nhằm phát triển cảng tiếp nhận LNG và nhập khẩu LNG; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam.
Đáp lại, Bộ trưởng Sugawara nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tăng cường ngân sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các nước, trong đó có Việt Nam, về LNG trong thời gian tới.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, hai Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy hơn nữa khuôn khổ đàm phán thương mại đa phương trong khu vực như hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để kết thúc đàm phán RCEP tại kỳ họp các Bộ trưởng RCEP tại Đà Nẵng tháng 9/2019 và tiến tới ký kết hiệp định này tại Việt Nam trong năm 2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Nhật Bản trong quá trình đàm phán hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước đây và RCEP hiện nay, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò này không chỉ trong đàm phán RCEP mà cả trong việc hỗ trợ Việt Nam thực thi có hiệu quả hiệp định.
Trong khi đó, Bộ trưởng Sugawara đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, ấn tượng với tầm vóc và vai trò của Việt Nam trong RCEP, tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của Việt Nam, đàm phán, ký kết RCEP sẽ hoàn thành đúng thời hạn như lãnh đạo cấp cao các nước đã đề ra./.