Phát triển Kinh tế Xanh: Phân loại chất thải rắn, đầu tư 'biến' rác thành điện

Để phát triển Kinh tế Xanh, các địa phương cần triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chú trọng hợp tác hiệu quả về quản lý chất thải, đầu tư công nghệ đốt rác phát điện.

Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại tỉnh Bắc Ninh, vừa được khánh thành vào ngày 11/1/2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại tỉnh Bắc Ninh, vừa được khánh thành vào ngày 11/1/2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tuy nhiên thực tế tại nhiều địa phương cho thấy việc xử lý rác thải một cách hiệu quả đến nay vẫn là “bài toán khó” và sẽ thất bại nếu chỉ tuyên truyền trên giấy.

Nhiều ý kiến cho rằng để “biến rác thành tài nguyên” theo Chiến lược phát triển Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là các địa phương cần phải sớm triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chú trọng hợp tác hiệu quả về quản lý chất thải để hướng đến đầu tư công nghệ đốt rác phát điện.

Giảm chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, trên cả nước hiện đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong số đó có khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng trên 70% lượng rác thải sinh hoạt hiện đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh.

Hệ lụy của phần lớn lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh trên đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Đơn cử như tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng cũng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố này đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước.

Các thành phố lớn khác cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải.

Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,” trong đó đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến năm 2025 giảm dưới 30%, đến năm 2030 là dưới 10%. Thực hiện lộ trình này, các địa phương phải giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp khi đầu tư hoặc vận hành cơ sở xử lý.

anh-6-giam-rac-thai-nhua-tui-ni-long-5375.jpg
Một số địa bàn tại Hà Nội đã nhiều lần "ngập" trong rác thải rắn sinh hoạt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Liên quan đến vấn đề trên, thời gian qua, cử tri nhiều địa phương cũng đã liên tiếp gửi kiến nghị về Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua đó đề nghị các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch, biện pháp cụ thể, lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp theo quy định để tỉnh có căn cứ triển khai thực hiện.

Trả lời cử tri, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo Điều 60 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Các địa phương bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp để đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển.

Đẩy mạnh tái chế, biến rác thành… điện

Về thực tế xử lý rác hiện nay, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt).

Bên cạnh đó, những năm gần đây, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi năng lượng cũng đã và đang được các địa phương quan tâm đầu tư.

Tính đến ngày 18/1/2024, có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh.

Tuy vậy, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý dù công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được quan tâm, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp còn cao; việc triển khai các dự án/cơ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại còn chậm...

Từ thực tế trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề đòi hỏi các địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội.

Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

vnp-rac-thai-15-6761.jpeg
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Hợp tác hiệu quả về quản lý chất thải

Chia sẻ thêm từ góc độ đối tác quốc tế, về tầm quan trọng của việc biến rác phát điện, ông Yoshida Satoshi - Vụ trưởng Vụ Tuần hoàn Tài nguyên Quốc tế (Bộ Môi trường Nhật Bản) cho biết trong thời gian qua, Nhật Bản đã hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng như các dự án tại địa phương và đạt được những kết quả nhất định. Nổi bật là hỗ trợ Bắc Ninh và Bình Dương xây dựng nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng.

Tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về quản lý chất thải và 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) lần thứ VI giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Môi trường Nhật Bản, diễn ra vào ngày 11/1 vừa qua, hai bên cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác với tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương thực hiện dự án biến rác thải thành năng lượng và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển các dự án biến rác thành năng lượng tại Đồng Nai, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Tiền Giang.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề xuất trong thời gian tới, hai bên cần phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách, quy định về chất thải rắn sinh hoạt; hỗ trợ triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, giới thiệu công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đề xuất mô hình tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp thu hồi năng lượng phù hợp với các vùng kinh tế-sinh thái.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, cho rằng thời gian tới các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn loại công nghệ phù hợp trước khi tổ chức đấu thầu; đảm bảo các tiêu chí lựa chọn công nghệ mới tập trung, tránh dàn trải để thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư có công nghệ phù hợp với các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; việc đấu thầu phải được tiến hành công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao.

“Có thể thí điểm chỉ định nhà đầu tư làm thí điểm ở một địa phương với quy mô xử lý từ 1.000-2.000 tấn/ngày, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Đây là hướng đi đúng trong việc giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục