Phát triển kinh tế xanh để nâng sức cạnh tranh cho nông sản ở ĐBSCL

Là nơi có vựa lúa, vựa thủy sản và cây ăn trái lớn nhất cả nước, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đã mang về một lượng kim ngạch xuất khẩu lớn cho ngành nông nghiệp.
Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm măng cụt, sầu riêng vùng Lái Thiêu - sản phẩm được công nhân nhãn hiệu tập thể. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam, cửa ngõ phía Tây của quốc gia; nơi đây đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Là nơi có vựa lúa, vựa thủy sản và cây ăn trái lớn nhất cả nước, mỗi năm, khu vực này đã mang về một lượng kim ngạch xuất khẩu lớn cho ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, để giữ được lợi thế, đặc điểm của vùng, Đồng bằng sông Cửu Long cần có một hướng đi bền vững, lâu dài theo hướng xanh, an toàn cho môi trường và con người.

Chọn làm hướng đi chủ đạo

Tại hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan Trung ương xây dựng và tổ chức thật tốt quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện.

Quy hoạch đó phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp đa ngành, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ, giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.

Dựa trên phương hướng này, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế nội tại theo hướng xanh và bền vững, đảm bảo phát triển được những ưu thế hiện có của từng địa phương.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, địa phương đã có Tờ trình số 21-TTr/BCSÐ ngày 1/6/2022 về nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[Khẳng định thương hiệu, nâng tầm đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long]

Mục tiêu quan trọng nhất trong việc lập điều chỉnh quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, là khu vực trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.

Tỉnh Đồng Tháp xác định hướng đi cụ thể để thích ứng, lấy “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực là: lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo..., ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng Tháp cho biết.

Kiên Giang là một trong những địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, đội ngũ tàu khai thác hải sản nhất nhì cả nước cũng xác định phương hướng kinh tế xanh làm chủ đạo trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, từ nay đến năm 2030, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nâng tầm cạnh tranh cho từng sản phẩm

Phát triển kinh tế xanh trở thành nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là tiền đề để các ngành, lĩnh vực tại đây là chủ đạo đề nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, từng ngành, sản phẩm trong khu vực phải xây dựng được hình ảnh và uy tín chất lượng trong cạnh tranh. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm trở thành bước đi đầu tiên và quan trọng trong cạnh tranh sản phẩm.

Theo ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản.

Sản xuất nước mắm Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long như nước mắm Phú Quốc đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ, hoặc như sản phẩm xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) có giá bán tăng hơn khoảng 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể và gần đây nhất là hướng đến xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam để đủ sức mạnh hình ảnh vươn ra thị trường thế giới.

Xác định được vai trò của thương hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã đẩy mạnh cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm khu vực vày, giai đoạn năm 2018-2022, toàn vùng có gần 9.870 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trên 5.800 văn bằng (nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý... ) được cấp.

Theo ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, giai đoạn năm 2018-2022, thực hiện Chương trình bảo hộ và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Cà Mau đã xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu đối với 26 sản phẩm phẩm đặc sản, đặc thù qua các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Trong số đó thể kể đến các đặc sản như mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, bồn bồn Cái Nước, cá thòi lòi Đất Mũi, tôm sú Cà Mau, cua Cà Mau...

Còn tại tỉnh Bến Tre, trong 4 năm 2018-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cho trên 280 lượt cá nhân, tổ chức tìm hiểu, thực hiện hồ sơ về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn về lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương làng nghề du lịch, khai thác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù Bến Tre.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai thực hiện các dự án như  xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Bến Tre" cho sản phẩm tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm; tổ chức nghiệm thu dự án Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cái Mơn" dùng cho sản phẩm sầu riêng Bến Tre...

Tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Với những điều này, từng sản phẩm nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dần được khẳng định thông qua các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đến với khác hàng thế giới, nâng vị thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên trường quốc tế hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục