Phát triển kinh tế-xã hội 2022: Đột phá kết nối giao thông liên vùng

Lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bắc Giang, Long An và thành phố Hải Phòng kiến nghị có giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo đột phá kết nối giao thông liên vùng để phát triển KT-XH năm 2022.
Phát triển kinh tế-xã hội 2022: Đột phá kết nối giao thông liên vùng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 diễn ra ngày 5/1, đại biểu các địa phương tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; trong đó, nội dung được các đại biểu tập trung đề xuất là có giải pháp tạo đột phá kết nối giao thông liên vùng.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho biết mặc dù gặp khó khăn về dịch bệnh, nhưng nhờ điều hành linh hoạt, năm 2021 thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép. Các chỉ tiêu thu hút đầu tư, thu ngân sách… tăng cao.

Có được kết quả này, Hải Phòng đã bám sát các Nghị quyết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư công và nguồn lực của Trung ương được Hải Phòng đưa vào thực hiện các công trình giao thông để từ đó tạo kết nối giao thông liên vùng. Thành phố chỉ bố trí phân bổ cho các công trình trọng điểm nên thời gian thi công các công trình rút ngắn từ 1-2 năm. Thành phố cũng đã chỉ đạo thực hiện nhanh các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề xuất Chính phủ phân cấp cho các địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án công nghiệp phù hợp với khu công nghiệp; không khống chế diện tích đất lúa đối với các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp; rút ngắn thủ tục thu hồi đất nhằm giải phóng mặt bằng nhanh với các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Đồng tình với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương bày tỏ năm 2021, nước ta gặp nhiều khó khăn chưa từng có do dịch bệnh COVID-19, nhưng Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo toàn diện, Chính phủ chỉ đạo điều hành linh hoạt đưa đất nước vượt qua khó khăn.

[Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH]

Đặc biệt, Chính phủ đã sát sao tháo gỡ nhiều khó khăn phát triển triển kinh tế-xã hội của các địa phương như hỗ trợ tiêu thụ nông sản; bổ sung quy hoạch và thành lập mới các khu cụm công nghiệp…

Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bắc Giang trong năm qua đã đẩy lùi dịch bệnh và hoàn thành tốt các giải pháp thích ứng an toàn, nhất là với nông sản đặc thù của tỉnh là vải thiều.

Tốc độ tăng trưởng của Bắc Giang đã dẫn đầu cả nước đạt 7,82%; thu ngân sách đạt 22.000 tỷ đồng… Năm 2022, Bắc Giang sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho các địa phương, đầu tư hạ tầng giao thông, khu cụm công nghiệp và nhà ở cho công nhân.

Ngoài việc đề xuất về phân cấp, phân quyền trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang còn đề nghị trong nhiệm kỳ này Chính phủ có thể đề xuất sửa Luật Ngân sách để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện các công trình trọng điểm được thuận lợi như: cấp tỉnh có thể bỏ vốn làm cầu đường khi Trung ương chưa bố trí được vốn đầu tư.

Phát triển kinh tế-xã hội 2022: Đột phá kết nối giao thông liên vùng ảnh 2Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Là địa phương đại diện cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2021, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng vẫn tăng trưởng 2,58%; thu ngân sách chạm mốc 11.000 tỷ đồng, vượt thu 3.000 tỷ đồng; đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công...Tuy nhiên, du lịch và thương mại của Lâm Đồng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề; khách du lịch giảm 50% so với năm 2020.

Để tăng cường kết nối liên vùng trong năm 2022 cần đầu tư xây dựng giao thông. Vì vậy, phải phân cấp, phân quyền; có cơ chế hỗ trợ một phần cho dự án xây dựng đường cao tốc đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn và thống nhất tách riêng phần giải phóng mặt bằng đối với các dự án.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, để tạo đột phá trong năm 2022 cũng phải phân cấp, phân quyền cho địa phương trên cơ sở định hướng và quyết định những vấn đề quan trọng; đồng thời, phân cấp cho các địa phương thành lập các khu công nghiệp trên địa bàn, dự án đường giao thông quốc gia đi qua tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ năm 2021 là năm Khánh Hòa đối mặt với khó khăn của dịch bệnh và thiên tai ở một số khu vực. Tỉnh đã thực hiện mục tiêu kép và đạt được nhiều chỉ tiêu như: thu ngân sách vượt 2%; triển khai thi công nhiều công trình và mở cửa cho du lịch có nhiều khởi sắc.

Năm 2022, Khánh Hòa quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 8,5%. Để đạt được mục tiêu này, Khánh Hòa thực hiện quản lý quy hoạch và hoàn thành các quy hoạch tỉnh; quy hoạch thành phố Nha Trang và hoàn thành các dự án tuyến tỉnh lộ, đường bộ lớn. Tỉnh cũng đảm bảo các khu tái định cư cho những dự án cao tốc; hoàn thành thu hút đầu tư khu kinh tế Vân Phòng và quy hoạch các khu đô thị hiện đại.

Về đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm thẩm định đồ án quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong; cho phép Khánh Hòa có cơ chế giải quyết các dự án đang gặp khó khăn tiếp tục được thực hiện, tránh gây lãng phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục