Vùng Đông Nam Bộ có nhiều thế mạnh, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, để vùng triển nhanh, ổn định, bền vững, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Phát triển phải nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững. Để làm điều này, cần dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, bản lĩnh và cả tính nghệ thuật."
Phát huy lợi thế so sánh từng địa phương
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...
Để phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 29/8/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 53-NQ/TW và ngày 2/8/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 27-KL/TW về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các cấp ủy đảng, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù, luôn dẫn đầu GRDP của vùng nhưng thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước.
Tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc quy hoạch và triển khai các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
“Vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và so với các vùng khác. Đã đến lúc khu vực này cần có cơ chế mới tạo điều kiện cho vùng đóng vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước," Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
[Chương trình hành động về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ]
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế vùng Đông Nam Bộ sở dĩ lâu nay vẫn chưa bứt phá được hết như kỳ vọng, một phần do các quy định về liên kết vùng đối với các địa phương chưa có chế tài; hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính quyền cấp vùng. Điều này dẫn đến không có bộ máy điều hành vùng, không có nguồn ngân sách vùng để phục vụ phát triển.
Cùng với đó, một phần là do giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức.
"Cả vùng này tăng trưởng chậm trong thời kỳ vừa qua so với Hà Nội, tốc độ tăng trưởng giảm xuống là vì giao thông," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho rằng, cần một cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh. Tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương mới có thể phát triển, phát huy được lợi thế của vùng Đông Nam Bộ.
Dẫn chứng, dù mới đây các dự án Vành đai 3, sau hơn 10 năm phê duyệt đã chính thức được khởi động, nhưng để hiện thực hóa tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông trong vùng, các chuyên gia cho rằng trước hết cần có cơ chế, đặc biệt là về nguồn vốn để thúc đẩy dự án đúng tiến độ.
Không chỉ dự án này, để phát huy được những tiềm năng chỉ có riêng ở vùng Đông Nam Bộ như lợi thế về logistics, cảng biển, nhân lực chất lượng cao..., rất cần có những cơ chế riêng biệt như cơ chế phân cấp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ quyết định chủ trương và quyết định đầu tư đối với các dự án đã có trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Cơ chế trọn gói phát triển vùng
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đang mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ nhiều lợi thế; trong đó, tập trung nguồn lực, nhất là hoàn thiện chính sách và thể chế tạo động lực phát triển không chỉ đưa vùng vào giai đoạn phát triển mới, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta với tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết tâm triển khai sớm và đạt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam đánh giá, tinh thần Nghị quyết 24 cho thấy, Bộ Chính trị đánh giá rất cao vai trò vị thế và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ đối với sự phát triển của cả nước.
Nhiều mục tiêu trong Nghị quyết cũng đặt ra thách thức rất lớn, tuy nhiên, muốn hoàn thành phải có những nhóm nhiệm vụ và giải pháp thật sự đột phá.
[Động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ]
Hiện, thể chế liên kết vùng có rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết khi chưa có một chính quyền cấp vùng. Hội đồng điều phối và liên kết vùng được lập hiện nay không có đủ thẩm quyền quyết định, quyền vẫn do các bộ, ngành.
Ông Tuấn đề nghị, cần có chương trình sửa hàng loạt luật, nghị định về phân cấp, phân quyền. Những thẩm quyền hiện nay của Trung ương cần phân cấp xuống bớt cho các địa phương trong vùng. Chúng ta cần có một cơ chế trọn gói không phân cấp nửa vời, địa phương tự xây dựng cơ chế, thể chế tự thực thi và tự chịu trách nhiệm.
Đồng ý với các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết, tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Bảo, Khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có nhạc trưởng cho cả vùng Đông Nam Bộ, không thể để hiện tượng "phép vua thua lệ làng."
Có người đứng đầu vùng, không có nghĩa là tăng một cấp quản lý hay giảm vị thế của người đứng đầu các tỉnh thành, mà làm tăng sức mạnh, tăng cạnh tranh của cả vùng và giảm cát cứ khi đối diện với bài toán tổng thể.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Nghị quyết 24 đã chỉ ra những điểm nghẽn và định hướng tháo gỡ đầy đủ, đồng bộ. Vấn đề là triển khai như thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống.
“Trách nhiệm trước hết thuộc các địa phương trong vùng, nhưng nếu thiếu sự vào cuộc một cách tích cực và trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương, việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống rất khó khăn. Do vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24," Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đề xuất, Bộ Chính trị ban hành song song 6 nghị quyết cho 6 vùng của cả nước; cần ban hành quy chế làm việc có tính chất quy chế mẫu cho 6 vùng để tránh sự lỏng lẻo, hình thức như thời gian qua.
Trước mắt, trong năm 2023, tổ chức ký kết liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, cần nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh tin tưởng, Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tạo sự phấn khởi của Đảng bộ, nhân dân trong vùng, mang lại nguồn cảm hứng và động lực mới cho quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
“Những hạn chế, bất cập của vùng nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là 'dư địa' để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới," Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định./.