Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khơi dậy động lực

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước.
Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khơi dậy động lực ảnh 1Đánh bắt cá tại cánh đồng ngập lũ cuối mùa ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng.

Đây cũng là vùng có truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào “đồng khởi” khí phách anh hùng “thành đồng."

Nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[Tổng Bí thư: Góp phần để Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên mạnh mẽ hơn]

Đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng, lợi thế nhưng còn phát triển chậm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 13/NQ-TW sẽ góp phần để vùng “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.

Sự chuyển mình

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, nên có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước.

Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông-Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Australia và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế.

Vùng có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.

Đây là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.

Là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí được quy định trong Công ước, ký năm 1971 tại thành phố Ramsar-Iran), bao gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim-Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia U Minh Thượng-Kiên Giang và Làng Sen-Long An). Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.

Với những đặc điểm trên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đặc biệt quan tâm bằng việc Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách để phát triển vùng trong những năm qua, đặc biệt là Nghị quyết số 21-NQ-TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước như: Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định 26/2008/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010. Và gần đây là Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long…

Với sự ưu tiên các nguồn lực, sự nỗ lực của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế-xã hội của vùng có sự thay đổi mạnh mẽ.

Hiện vùng đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đã có sự thay đổi rõ rệt với hệ thống quốc lộ dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002.

Các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ quy mô 4 làn xe; Quốc lộ 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau; tuyến ven biển phía Đông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau… đang dần hoàn thiện.

Nhiều bến, cảng biển đã được đầu tư xây mới. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được các địa phương trong vùng quan tâm đầu tư; các trung tâm điện lực tiếp tục mở rộng và nâng cấp. Hạ tầng thương mại, nội địa từng bước được đầu tư, mở rộng.

Sự thay đổi rõ rệt, có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống nhân dân trong vùng là quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên, hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc, chiếm 55,4% cả nước; 0,78 triệu tấn tôm, chiếm 83,5%; 1,47 triệu tấn cá tra, chiếm 98% và 4,3 triệu tấn trái cây, chiếm 60%.

Cùng với đó, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể.

Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khơi dậy động lực ảnh 2Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chính thức đưa vào lưu thông 2 chiều từ 7 giờ 30 phút ngày 30/4 sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã bày tỏ, chỉ trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải, đô thị, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có diện mạo rất khác. Chắc chắn, dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, công nghiệp năng lượng, du lịch trải nghiệm theo bước chân người đi khai hoang,… sẽ đến với vùng ngày càng nhiều hơn.

Nhìn về một hướng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý những nông sản nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất mới chỉ là “sản phẩm” trên đồng, trong vườn, dưới ao, chứ chưa tạo ra giá trị.

Chỉ khi sản phẩm đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu, thì nông dân mới trở nên khá giả.

Muốn có điều này cần có sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tính liên kết, hợp tác vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra địa giới vùng.

Hạn chế tính liên kết lĩnh vực nông nghiệp cũng đang là khúc mắc với các lĩnh vực khác của Đồng bằng sông Cửu Long như hệ thống giao thông, logistics…

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ do “điểm nghẽn” lớn nhất của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém, chưa đảm bảo nên nếu công nghệ bảo quản đảm bảo và vận chuyển bằng đường biển thì chi phí xuất khẩu nông sản sẽ giảm hơn 15 lần so đường hàng không như hiện nay.

“Do vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải được quan tâm hơn nữa trong việc phát triển hạ tầng như đầu tư các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết các tỉnh, thành và một số tuyến quốc lộ trong vùng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được dễ dàng và sâu rộng hơn với vùng nguyện liệu của nông dân nơi đây,” bà Ngô Tường Vy bày tỏ.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, kinh tế- xã hội của vùng vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Hiện vùng đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rủi ro từ việc hợp tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước Mekong.

Những thách thức này càng đặt yêu cầu tăng cường tính kết nối liên vùng và nhanh chóng ban hành quy hoạch vùng.

Theo Nghị quyết 13, một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.

Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Tổng Bí thư đã giao Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có tính đặc thù cho phát triển vùng.

Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khơi dậy động lực ảnh 3Toàn cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan Trung ương xây dựng và tổ chức thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ  môi trường; ứng phó với thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Quy hoạch vùng đảm bảo hình thành được chuỗi giá trị ngành, sản phẩm vùng.

Phát biểu kết luận hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long phải có quy hoạch tốt bởi có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt rồi mới có nhà đầu tư tốt và khi có nhà đầu tư tốt rồi thì sẽ có sản phẩm tốt.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nhìn nhận, vấn đề liên kết vùng, quy hoạch hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tận dụng được tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của địa phương với nhau.

Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện, dù đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động lớn của tự nhiên, nhưng nếu biết cách khéo léo vượt qua, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn đủ khả năng trở nên thịnh vượng, thành hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới, tự tin tạo dựng thương hiệu Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục