‘Phát triển kinh tế tập thể cần tuân theo nguyên tắc thị trường’

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tuân theo nguyên tắc thị trường. Kinh nghiệm cho thấy các chính sách hỗ trợ mà không tuân theo nguyên tắc thị trường thì sẽ không thành công.
Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa 9, lần đầu tiên một Nghị quyết chuyên đề về Kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/03/2002) đã được đưa ra với mục tiêu đến năm 2010: “Đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nển kinh tế.”

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, tâm lý xã hội dần được xóa bỏ những mặc cảm do mô hình hợp tác kiểu cũ hướng tới mô hình kiểu mới.

Khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế

Kết quả có thể thấy rõ trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2018 số lượng hợp tác xã thành lập mới lên tới 20.841 đơn vị. Tuy nhiên trước áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, số hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả buộc phải giải thể có đến 11.473 đơn vị.

Đáng chú ý, kể từ sau có Luật Hợp tác xã năm 2012, số lượng đơn vị thành lập đã tăng nhanh qua các năm đồng thời chất lượng hoạt động của các hợp tác xã cũng dần được nâng cao và thích ứng hơn tốt hơn trong môi trường cạnh. Cụ thể, giai đoạn 5 năm trở lại đây, số lượng thành lập mới trên cả nước là 11.191 hợp tác xã, bên cạnh con số phải giải thể 5.973 hợp tác xã.

[Khu vực kinh tế hợp tác tạo ra 2,5 triệu việc làm cho xã hội]

Tại Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, Luật Hợp tác xã được thông qua năm 2012 cho thấy sự cần thiết của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, các thành viên và người lao động xã cũng nhận thức rõ hơn về các nguyên tắc hoạt động trong hợp tác xã, cơ chế bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Kết quả, vai trò của hợp tác xã đối với nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của thành viên đã được xã hội khẳng định.

Theo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50% - 80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp.

Về khu vực tổ hợp tác, đến nay cả nước có hơn 101.400 đơn vị thu hút khoảng 1,34 triệu thành viên tham gia, có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/năm.

Về hợp tác xã, toàn quốc có 22.861 đơn vị, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia và số lao động làm việc là 1,2 triệu người, thu nhập bình quân của lao động 36,6 triệu đồng/năm.

Xu thế thành lập các liên hiệp hợp tác xã cũng không ngừng gia tăng, hiện cả nước có 74 liên hiệp và chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7% với 555 hợp tác xã thành viên, doanh thu bình quân một liên hiệp là 8,3 tỷ đồng/năm.

‘Phát triển kinh tế tập thể cần tuân theo nguyên tắc thị trường’ ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PMI/Vietnam+)

Phát triển cùng xu thế hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh mới, kinh tế đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, đi cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực; tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới.

Nhưng, song hành với cơ hội thì áp lực cạnh tranh hàng hóa cũng trở nên rất gay gắt hơn trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp, lợi thế lao động rẻ của Việt Nam sẽ không còn đồng thời lợi thế tài nguyên cũng giảm dần, cùng với đó tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế nguồn lao động dồi dào trong xã hội, hàng triệu lao động có thể mất và phải chuyển đổi việc làm.

Do đó để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện đồng bộ trong thời gian tới.

Đó là việc nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, các cấp quản lý tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với thực tiễn. Các cơ quan làm chính sách cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nướcvề kinh tế tập thể theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Một điểm yếu trong quản lý cũng được Bộ trưởng nhắc tới đó là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành. Vì vậy tới đây sẽ phải xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội và hiệp hội và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này, vấn đề nhân sự có trình độ là yếu tố then chốt kết hợp với việc tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Định hướng phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là loại hình kinh tế rất đặc biệt, liên quan đến kinh tế, ổn định chính trị, ổn định nông thôn, gắn với vấn đề tam nông. Nó không chỉ là tổng tài sản, thu nhập mà thông qua đầu vào đầu ra cho các thành viên hợp tác xã, làm gia tăng giá trị cho các thành viên.”

Theo ông, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tuân theo nguyên tắc thị trường và kinh nghiệm cho thấy các chính sách hỗ trợ mà không tuân theo nguyên tắc thị trường thì sẽ không thành công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục