Tại hội thảo “Phát triển kinh tế địa phương, kinh nghiệm thực tiễn” tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 20/11, các chuyên gia đã nêu ra 5 sáng kiến chiến lược cho vấn đề tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Hội thảo do Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) phối hợp với Liên đoàn Đô thị Canada, Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
Theo các đại biểu, Việt Nam cần quản lý nguyên liệu bền vững, chuyển hóa chất thải thành nguồn lực; phát triển giao thông xanh; phát triển công nghiệp hóa xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng bằng việc quy hoạch tổng thể thành phố khoa học công nghệ cao gắn với công nghiệp xanh và tăng trưởng xanh cho các thành phố, đồng thời, áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước; phát triển nông nghiệp đô thị xanh gắn với du lịch sinh thái.
Theo chuyên gia của Chương trình UN-Habitat, chiến lược thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới là tái cơ cấu và cải thiện các cơ sở kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên và công cụ kinh tế. Điều này sẽ góp phần đối phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo phát triển bền vững.
Việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tăng trưởng xanh tập trung vào ba nhiệm vụ chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; thực hành sản xuất xanh bằng việc công nghiệp hóa sạch và sử dụng tài nguyên hiệu quả; thực hiện lối sống xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững. Việc cải thiện chất lượng môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat cho rằng tại Việt Nam, các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có những bước đi đầu tiên bằng hình thức lồng ghép những nội dung về tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển của thành phố.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết yếu tố quan trong quyết định khả năng cạnh tranh của một thành phố là chất lượng hệ thống chính quyền địa phương; cơ sở hạ tầng hỗ trợ các chức năng của thành phố; tính đổi mới, nguồn nhân lực, trình độ và di sản lịch sử của thành phố.
Theo tính toán của Chương trình UN-Habitat, với quá trình đô thị hóa của Việt Nam như hiện nay, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 1 triệu người từ nông thôn đến vùng đô thị sinh sống. Do đó, quá trình đô thị hóa là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức cho phát triển kinh tế-xã hội. Lời giải cho bài toán phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay chính là tăng trưởng xanh, tạo nên một nền kinh tế ít phát thải khí cacbon.
Bà Deborah Day, Trưởng Phòng phát triển và Quy hoạch thành phố Victoria, Canada cho hay thời gian qua, một số thành phố của Canada tiến hành các chương trình hợp tác với 3 thành phố của Việt Nam là Thái Nguyên, Hà Tĩnh và Sóc Trăng trong lĩnh vực phát triển kinh tế địa phương. Việc hợp tác đã đưa lại những tác động tích cực. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng những mô hình phù hợp với đặc thù của từng đô thị, thực hiện các dự án điểm để nâng cao năng lực cho chính quyền đô thị và mở rộng hợp tác vùng và toàn cầu là những yếu tố hướng đến một nền kinh tế sạch./.