Phát triển khoa học cơ bản: Nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ

Tuy khoa học cơ bản là cái gốc để phát triển khoa học công nghệ, song theo nhiều chuyên gia, việc phát triển ngành này vẫn còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.
Phát triển khoa học cơ bản: Nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu không có nền khoa học cơ bản, Việt Nam sẽ không thể thành một quốc gia tự cường mà sẽ là đất nước của những người đi làm thuê. Thế nhưng, vẫn còn nhiều nút thắt để nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam phát triển.

Số mệnh nhà khoa học trong tay nhà quản lý

Tại buổi đối thoại mở giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với các nhà khoa học nhân Ngày khoa học công nghệ Việt Nam lần thứ nhất, Giáo sư Ngô Việt Trung (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) thẳng thắn: Nhìn thẳng vào các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ thấy rất rõ câu chuyện người làm quản lý quyết định hoàn toàn số mệnh của nhà khoa học.

Theo giáo sư Trung, đây là điều ngược lại với logic khoa học cũng như cách làm khoa học ở các nước.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng (khoa Toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) thì kể lại một câu chuyện, bốn mươi năm trước khi ông bước chân ra khỏi trường đại học, nếu được giữ lại trường thì đó là vinh dự tột bậc và không ai nghĩ sẽ từ chối vinh dự ấy. Thế nhưng, “mấy năm nay, ở bộ môn, chúng tôi mời sinh viên giỏi ở lại trường nhưng nhiều bạn đã từ chối.”

Một trong những lý do vị giáo sư vừa nhận giải thưởng danh giá cho nghiên cứu khoa học cơ bản Tạ Quang Bửu đưa ra chính là việc chính sách tiền lương, đãi ngộ cho nhà khoa học không đủ sống, nhất là đối với nhà khoa học không sinh ra và lớn lên và không có nhà ở Hà Nội.

Nhưng, “tiền lương không phải là thứ quan trọng nhất” - ông Hưng tiếp lời: “Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là được bố trí làm việc đúng sở trường và được đối xử một cách văn minh.”

Theo vị giáo sư này, nhiều nhà khoa học hiện nay có tâm thế mình là kẻ làm thuê chứ ko phải làm chủ. Ở trường đại học nơi ông làm việc, các phòng ban mới là người làm chủ.

“Những cái gì quan trọng của đại học không phải được quyết định bởi chúng tôi - những giáo sư ở các khoa - mà được quyết định bởi những người có bằng cấp thua kém, thường là học trò, không có khả năng nghiên cứu nhưng được giữ lại các phòng ban và nắm các mạch máu của đại học. Và, chúng tôi trở thành người làm thuê ở đó,” ông Hưng thẳng thắn.

Mà đương nhiên, với tâm lý đi làm thuê, làm cho xong thì để sáng tạo ra những công trình khoa học mang tầm thế giới là chuyện… trên trời.

Có nên tiếp tục đầu tư?

Bên cạnh việc khó giữ người tài, nghiên cứu cơ bản còn gặp một trở ngại nữa chính là trong xã hội và cộng đồng khoa học có ý kiến tranh luận xuay quanh vấn đề: Có nên đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản hay không? Có lập luận cho rằng Việt Nam là quốc gia lạc hậu về khoa học công nghệ, nên cần thiết phải đầu tư cho khoa học ứng dụng.

Nói về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng đem so sánh nghiên cứu khoa học cơ bản với âm nhạc bác học. Theo ông, một nền âm nhạc có thể có nhiều thành công ở các thể loại như rock, pop… nhưng đỉnh cao của thế giới thì không thể không có âm nhạc bác học và ở lĩnh vực khoa học cũng vậy.

Ông Hưng chia sẻ, ở các quốc gia có nền khoa học công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Nhật thì các nghiên cứu khoa học đỉnh cao cũng không quá xa rời cuộc sống công nghiệp. Thế nhưng, Việt Nam có nền khoa học công nghiệp lạc hậu, nên các nghiên cứu khoa học cơ bản đạt trình độ càng cao thì khoảng cách càng lớn.

“Vậy nghiên cứu của anh dính dáng gì đến cuộc sống của người dân? Nghiên cứu để làm gì, có ích gì trong cuộc sống này?... là những câu hỏi luôn dằn vặt các nhà khoa học. Thế nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta chỉ nhập công nghệ thì sẽ mãi là người đi theo, con cháu chúng ta mãi là người đi làm thuê,” ông Trung nói.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng Bộ không thiên vị một lĩnh vực nào. Khoa học cơ bản của Việt Nam có thế mạnh trong khu vực và thế giới, thậm chí còn hơn lĩnh vực khoa học khác.

Bằng chứng rõ nhất của việc không thiên vị chính là việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng dành để đầu tư cho khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên.

Bên cạnh quỹ tài trợ, ngay cả trong các chương trình trọng điểm cấp nhà nước vẫn có những chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Ở các trường đại học cũng có nhiều khen thưởng về nghiên cứu cơ bản như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 7-10 triệu đồng cho một nghiên cứu công bố quốc tế. Bản thân Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cho các phòng thí nghiệm của các viện, trường để phục vụ nghiên cứu cơ bản…

Bởi vậy, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ hy vọng với những thay đổi về chính sách, các nhà khoa học sẽ được tự chủ hơn, từ đó sẽ có nhiều công trình khoa học hữu dụng, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục