Phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép-Thị Vải

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là 1 trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu 200.000 tấn, mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam.
Đại biểu tham quan bản đồ về hệ thống giao thông kết nối vùng kinh tế trong điểm phía Nam. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Ngày 18/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, nhấn mạnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển và các dịch vụ hậu cần cảng theo hướng hiện đại và linh hoạt.

Dự kiến trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng.

Trong thời gian đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dành 2.000ha để quy hoạch không gian phát triển hệ thống logistics, trung tâm kiểm hóa hiện đại, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để phát triển hệ thống hậu cần cảng; thành lập Ban quản lý Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tạo sự điều hành thống nhất, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và các hãng tàu khi ra vào hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải; phát triển hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải thành cửa ngỏ xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết dịch vụ cảng biển và logistics được xác định là lĩnh vực kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp các bộ, ngành liên quan trao đổi, thực hiện nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả đầu tư và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng hàng hóa bằng tàu biển tăng 10%, trong đó, hàng container bằng tàu biển tăng trưởng bình quân trên 20%/năm.

Nếu chỉ tính lượng hàng bằng tàu biển, hiệu suất khai thác cảng trên địa bàn tỉnh đến năm 2019 đạt 53%. Công suất khai thác hàng container tăng từ 20% năm 2015 lên 53% năm 2019.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã bàn sâu các giải pháp phát triển cảng biển và logistics như phát triển hoạt động của ICD, Depot container rỗng tại Cái Mép-Thị Vải đúng với chức năng và ý nghĩa hỗ trợ cảng biển; điều kiện để hãng tàu tăng cường hoạt động tại Cái Mép-Thị Vải; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và định hướng phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải…

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải cho biết, trước mắt Bộ Giao thông-Vận tải đang xem xét và bố trí vốn trung hạn để đầu tư nạo vét tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải đến cao độ 15,5 mét.

[Vinalines tiến tới tham gia liên minh vận tải biển quốc tế]

Đẩy nhanh tiến tiến độ cao tốc Bến Lức-Long Thành, đẩy nhanh thủ tục và báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn thành tuyến đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải-cầu Phước An và đoạn tuyến kết nối với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành để thu hút hàng hóa đến cảng Cái Mép-Thị Vải, triển khai cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối với hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào địa phương để tạo thêm chân hàng xuất khẩu.

Nghiên cứu chọn nhà đầu tư, xây dựng khu hậu cần cảng trước khi đưa cảng vào hoạt động để đáp ứng đầy đủ nhu hoạt động của hệ thống cảng.

Các đại biểu đang thảo luận về hiện trạng và quy hoạch hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết thêm, hiện nay hàng hóa cập các cảng của Tổng Công ty tại Cái Mép-Thị Vải, có tới 82% lượng hàng hóa được đưa về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Nếu các cơ quan chức năng không kịp thời tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường bộ thì hàng hóa sẽ chậm, chi phí sẽ phát sinh, đồng thời, chi phí cho logistics cũng tăng cao từ đó tính cạnh tranh của hàng hóa không cao.

Hiện nay, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có lợi thế lớn là luồng hàng hải hiện đại, cơ sở cảng biển tiên tiến, trang thiết bị hiện đại và tốc độ tăng trưởng rất tốt.

Tuy nhiên, để tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh và thu hút thêm nữa các khách hàng các đại biểu tham gia hội thảo đề xuất như sau: phát triển kết nối giao thông liên vùng bằng đường bộ, đường sắt, đường sông đến các khu vực kinh tế trọng điểm trong vùng; các cơ quan chức năng sớm xem xét và bố trí nguồn vốn để đầu tư nạo vét tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải đến cao độ -15,5m từ phao số “0” đến bến cảng CMIT; cho phép xây dựng và áp dụng cơ chế cảng mở tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải để thúc đẩy trung chuyển quốc tế; đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải; triển khai nhanh dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành tạo thuận lợi cho việc kết nối hàng hóa bằng đường bộ từ khu vực Tây Nam Bộ đến các cảng Nhóm 5.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng và hậu phương sau cảng; thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hải quan, kiểm dịch hàng hóa tại cảng Cái Mép-Thị Vải cần phải nhanh chóng, hiệu quả, cạnh tranh; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các depot công rỗng và các bãi xe tải để thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa đến các cảng biển Nhóm 5; kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các cảng cạn theo quy hoạch để điều tiết giao thông, tăng cường hỗ trợ phát triển công nghiệp và nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển trong khu vực; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cũng là cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu đến 200.000 tấn, mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch tổng thể có 69 dự án cảng, trong đó đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm.

Tổng diện tích kho bãi chuyên dùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 2.312ha, đến nay đã có 20 dự án kho bãi, logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 224ha.

Mặc dù hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trên địa bàn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực chưa cao.

Thông qua hội thảo, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mong muốn lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hãng tàu góp ý, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng.

Đồng thời, đánh giá những tồn tại vướng mắc trong việc phát triển cảng biển, logistics, từ đó, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành kinh tế cảng biển để góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục