Thị trường thương mại điện tử là một thị phần không kém phần hấp dẫn; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là môi trường kinh doanh sôi động, khi có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu thị trường đặt văn phòng, kho hàng và chọn là địa điểm trung chuyển hàng hóa đến thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.
Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của cơ chế chính sách như không sử dụng tiền mặt, ứng dụng gọi xe công nghệ... thị trường thương mại điện tử đang có bước tiến đột phá và tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp tham gia.
Cánh tay nối dài của nhà bán lẻ
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy thị trường thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đang sôi động hơn bao giờ hết, không chỉ trong năm nay mà thành phố gần như là địa phương dẫn đầu thị trường này trong những năm qua.
Điều này thể hiện qua việc Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử qua các năm 2017, 2018 và 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện.
Thị trường thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, duy trì đà tăng trưởng mạnh khi số lượng người dân sử dụng thiết bị di động có kết nối Internet, thiết bị công nghệ thông minh ngày càng tăng cao.
Việc sử dụng thương mại điện tử trong hoạt động mua sắm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã trở thành thói quen và thông qua nhiều kênh bán buôn online tiện ích.
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lượng truy cập Internet qua các phương tiện điện tử của người dân chiến khoảng 90%, nên họ không gặp khó khăn khi tìm kiếm hàng hóa, mua sắm theo nhu cầu trên kênh thương mại điện tử. Nhiều người dân còn lựa chọn kênh thương mại điện tử là kênh chủ yếu để tham khảo thông tin hàng hóa, tiếp cận trực tiếp đơn vị sản xuất, đánh giá và so sánh giá cả...
Ngược lại, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhà bán lẻ tham gia vào thị trường thương mại điện tử đã không ngừng nỗ lực hoàn hiện mô hình kinh doanh và phát triển ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, có thể kể đến một số mô hình như sàn giao dịch thương mại điện tử, website bán hàng, mạng xã hội trên cả nền tảng website và nền tảng di động.
[Mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới]
Hơn thế nữa, những ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai tiện ích hơn và hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…); Internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); ví điện tử; app trên điện thoại di động…
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, các kênh bán hàng trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng là sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo); website điện tử (Saigon Co.op, LOTTE Mart); mạng xã hội (Facebook; Zalo Shop, Instagram).
Thống kê của Shopee cho thấy người tiêu dùng thường mua quần áo thời trang; mỹ phẩm, đồ ăn, đồ công nghệ... Những mặt hàng có giá trị cao như đồ gia dụng, điện tử; thực phẩm tươi sống... thì người tiêu dùng có xu hướng đến trực tiếp cửa hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Truyền thông của Kantar Worldpanel Việt Nam, từ năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ bùng nổ quảng bá sản phẩm trực tuyến, bởi theo khảo sát có đến 72% người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm hàng hóa sau khi tham khảo trang mạng xã hội (Facebook,Instagram...). Song song đó, có 88% người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả thêm tiền vận chuyển để nhận hàng trong ngày (hoặc trong vài giờ) sau khi đặt đơn hàng.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, một số nhà bán lẻ đã đáp ứng tốt nhưng yêu cầu trên, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho khách hàng, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, gồm thực phẩm, hóa mỹ phẩm... Đặc biệt, khoảng cách giữa người tiêu dùng thành thị và nông thôn đang dần được chính các nhà bán lẻ rút ngắn nhờ kênh thương mại điện tử.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đã có thể song song phát triển trung tâm mua sắm lớn cùng với chuỗi cửa hàng tiện lợi và kênh thương mại điện tử. Vì vậy, dự báo từ 2020 trở đi, thị trường bán lẻ thành thị bão hòa, mua sắm hiện đại sẽ tiếp cận thị trường nông thôn với hơn 70% dân số và 80% diện tích cả nước. Đây là thị trường tiêu thụ tiềm năng để doanh nghiệp phát triển kênh phân phối, trong đó kênh thương mại điện tử là một hướng đi hiệu quả.
Tích hợp kinh doanh offline và online
Liên quan đến phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trong ngành bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh-Saigon Co.op cho biết trong giai đoạn 2020-2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ vào những cải tiến vượt bậc.
Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng người tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
"Chính vì vậy, Saigon Co.op sẽ thực hiện chiến lược thương mại điện tử phát triển theo cách riêng của Saigon Co.op và dựa trên nền tảng của các điểm bán hiện có, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, số hóa, tự động hóa để theo kịp xu hướng thị trường. Saigon Co.op đưa vào vận hành đồng bộ và khai thác hiệu quả mô hình thương mại điện tử, tập trung hoàn thiện và phát triển nhanh website thương mại điện tử kết hợp phương thức bán hàng đa kênh Omni Channel," ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.
Trong xu hướng kết hợp kinh doanh offline và online, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động liên kết, hợp tác và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử.
Đơn cử, công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan đã chính thức mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Sendo. Như vậy, sau Now, Sendo là đối tác tiếp theo Vissan bắt tay hợp tác trong chiến lược đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến, mang đến nhiều tiện ích và ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ cho hay kênh phân phối của PNJ trước đây luôn cần có sự trải nghiệm thực tế của khách hàng nên kênh truyền thống đóng vai trò chủ yếu.
Tuy nhiên, nắm bắt xu hướng thị trường, hoạt động kinh doanh trực tuyến của PNJ đã thay đổi như bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau, đảm bảo sự hài hòa giữa kênh kinh doanh online và offline, cũng như liên kết với sàn thương mại điện tử.
Còn chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng giám đốc quản lý sàn thương mại điện tử Tiki.vn, lý giải nguyên nhân doanh nghiệp luôn phải đổi mới cấu trúc ngành hàng là do đáp ứng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tín hiệu thị trường cho thấy, trước đây nhiều đối tác của Tiki.vn chưa sẵn sàng đầu tư kênh online trở thành kênh bán hàng ưu tiên, thì hiện nay họ tập trung với những mục tiêu cụ thể.
Việt Nam có cơ hội lớn trong tương lai về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến. Mặt khác, trong tương lai, thị trường thương mại điện tử còn xuất hiện những dịch vụ tư vấn online nữa. Điều này chỉ ra rằng, người tiêu dùng ở đâu doanh nghiệp nên đuổi theo để nắm bắt cơ hội. Trong đó, kết hợp offline và online để tối ưu hóa hoạt động bán lẻ là phù hợp với xu hướng mới trên thế giới là tiếp thị số (digital marketing).
Theo bà Phan Bích Tâm, Giám đốc quốc gia Hiệp hội Mobile Marketing, trong quá trình kết hợp giữa kênh offline và kênh online điều quan trọng là quản lý dữ liệu khách hàng, hiểu khách hàng...
Đồng thời, việc thực hiện các chiến lược tiếp thị có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng niềm tin nơi khách hàng. Bởi ưa chuộng kênh thương mại điện tử, nhưng người tiêu dùng vẫn quan ngại về chất lượng và muốn đến cửa hàng mua sản phẩm đảm bảo đổi trả, bảo hành.
Ngoài ra, bán hàng đa kênh là giải pháp vận hành và kinh doanh tốt nhất cho nhà bán lẻ, vì khách hàng có thể xem hàng online hoặc đến cửa hàng mua sắm./.